Tràn lan nợ đọng xây dựng cơ bản tại các xã xây dựng nông thôn mới

Tràn lan nợ đọng xây dựng cơ bản tại các xã xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực. Theo BCĐ Chương trình 02 Hà Nội, nguồn vốn của thành phố theo đề án đã chuyển đủ về các địa phương theo đúng tiến độ.
Tuy nhiên, vốn do ngân sách huyện, xã đối ứng và vốn huy động từ đóng góp của doanh nghiệp và người dân đều không đạt mục tiêu đề ra. Thiếu vốn, nhiều địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp thi công ứng vốn dẫn đến nợ đọng kéo dài là thực tế đang nóng bỏng tại các xã xây dựng NTM.
 
Các địa phương xây dựng nông thôn mới đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Ảnh: Thái Hiền
Các địa phương xây dựng nông thôn mới đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Ảnh: Thái Hiền

Huyện, xã trở thành con nợ

Phó trưởng phòng Tài chính và kế hoạch huyện Ba Vì Hoàng Văn Hùng dẫn chứng: Trong hai năm 2011, 2012, vốn cho xây dựng NTM ở xã điểm Cổ Đô từ nguồn thành phố phân bổ là 40 tỷ đồng, huyện cân đối được hơn 10 tỷ đồng, xã mới huy động được 200 triệu đồng. Đối chiếu với đề án xây dựng NTM của xã thì vốn của thành phố đã bố trí đủ, vốn của huyện còn thiếu 20 tỷ, vốn của xã còn thiếu 41,8 tỷ đồng. Người dân chỉ đóng góp thông qua việc chỉnh trang nhà cửa và đường làng, ngõ xóm.

Không chỉ vốn phục vụ chương trình xây dựng NTM, theo tổng hợp của UBND huyện Ba Vì về tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách huyện Ba Vì, tính đến ngày 31-12-2012, toàn huyện có 22 dự án bị nợ đọng vốn với tổng số tiền gần 110 tỷ đồng. Đến hết 20-5-2013, ngân sách huyện đã bố trí trả nợ cho 6 dự án với số tiền 30 tỷ đồng, số nợ xây dựng cơ bản còn lại chưa bố trí được vốn là gần 80 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án giao thông nông thôn, xây dựng trường học, thủy lợi... Theo ông Hùng, nợ xây dựng cơ bản có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nguồn thu trên địa bàn huyện (thu ngân sách hằng năm chỉ được 70 tỷ đồng nhưng chi tới 1.300 tỷ đồng) chỉ bảo đảm được 5-7% nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, do đó không có vốn đối ứng cho các dự án. "Trong tháng 3 vừa qua, thành phố phân bổ vốn cho huyện Ba Vì 29,4 tỷ đồng đầu tư cho giao thông nông thôn và dồn điền đổi thửa, huyện sẽ phải đối ứng khoảng 10 tỷ nữa nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết lấy tiền đâu ra"- Ông Hùng cho biết.

Tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ), xã điểm xây dựng NTM của cả nước, hiện nợ đọng xây dựng cơ bản tới 51 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Học cho biết, để đạt các tiêu chí, xã Thụy Hương đã đồng loạt triển khai hàng trăm dự án lớn nhỏ nhưng việc huy động nguồn vốn từ nhân dân, doanh nghiệp và vốn địa phương đối ứng không đạt mục tiêu đề ra khiến xã trở thành "con nợ" lớn đối với các doanh nghiệp và hiện chưa biết lấy đâu ra tiền để trả nợ… Đợt giám sát tiến độ xây dựng NTM của HĐND thành phố Hà Nội về tình hình triển khai tiến độ xây dựng NTM mới đây đã chỉ ra rằng: Nguồn vốn xây dựng NTM còn thiếu, chưa bảo đảm cơ cấu vốn và từng cấp ngân sách, chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước (chiếm 87,4%), vốn huy động đóng góp của người dân và doanh nghiệp rất thấp (chỉ chiếm 3-5%). Ngân sách huyện và cấp xã không đủ để ứng vốn theo đề án. Một số địa phương kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn thi công dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ưu tiên vốn những nơi làm tốt

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho rằng, nếu không kiểm soát được việc nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ rất dễ dẫn đến kiện tụng. Đối với các huyện thuần nông, việc thu không đủ bù chi ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Do đó, thành phố cần làm rõ hơn việc phân chia nguồn lực đầu tư. 

Giải trình về việc huy động vốn cho xây dựng NTM, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, đến nay toàn thành phố đã huy động kinh phí đầu tư được hơn 13.000 tỷ đồng; trong đó, phân theo ngân sách thành phố là hơn 4.400 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 6.600 tỷ đồng; ngân sách xã hơn 318 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 646 tỷ đồng cùng hàng nghìn mét vuông đất và ngày công lao động. Tuy nhiên, Hà Nội có số đơn vị cấp xã lớn thứ 3 toàn quốc (401 xã) nên cần một nguồn lực rất lớn. "Để có tiền xây dựng, hầu hết xã phải lấy từ tiền đấu giá đất hoặc từ các nguồn khác nhau, nhưng do bất động sản đang "đóng băng", nên các xã đang rất khó xoay xở" - Ông Vân cho hay.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, để tháo gỡ khó khăn này, thành phố cần tổng hợp, đánh giá cơ chế huy động vốn cho xây dựng cơ bản trong những năm qua, xác định nhu cầu vốn về tổng mức đầu tư, cơ cấu và chi tiết cho nhiệm vụ chi các năm tiếp theo. Về kế hoạch vốn thuộc ngân sách thành phố năm 2014 và các năm tiếp theo, khi xây dựng phương án phân bổ, hỗ trợ cho các huyện thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng thủy lợi, giao thông nội đồng, đường ngõ, xóm cần ưu tiên những địa phương thực hiện tốt, đúng tiến độ và hiệu quả. Các địa phương cũng cần phải lựa chọn các dự án cấp thiết để ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Nguyễn Mai
Theo hanoimoi.com.vn