Trang trại làm đầu tàu kéo nông nghiệp đi lên

Trang trại làm đầu tàu kéo nông nghiệp đi lên
Trao đổi với Dân Việt về việc phát triển nông nghiệp hiện nay, ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội nhận định, ở Hà Nội hiện nay đang hình thành nhiều mô hình nông nghiệp lớn, nhất là các trang trại như những “đầu tàu” để kéo nông nghiệp Hà Nội phát triển đi lên.

Mặc dù là Thủ đô, nhưng Hà Nội hiện có địa bàn nông thôn rộng lớn. Xác định điều đó, thành phố đã sớm ban hành Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”. Ông có thể cho biết tác động của Chương trình này đến bộ mặt nông thôn Thủ đô?

 

Sản xuất rau ở xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội.  Ảnh: Đăng Quang

- Có thể nói, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 02, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội phát triển toàn diện, sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng.

Đáng chú ý, đời sống của nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Bên cạnh đó, các hoạt động tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội nhiều nơi thực hiện theo hướng tiết kiệm, văn minh.

Những kết qua trên đã góp phần vào kết quả chung xây dựng nông thôn mới (NTM) của toàn thành phố. Đến nay, Hà Nội có 166/386 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến hết năm sẽ có 179 xã đạt chuẩn, đạt 46,4%, vượt so với kế hoạch đề ra.

Cái khó nhất trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung là diện tích sản xuất tập trung còn thấp, vì thế nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?

- Đúng là hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong nông nghiệp và nông thôn ở Hà Nội. Trước tiên, đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân vẫn chưa quyết liệt trong xây dựng NTM là xây dựng cho  chính mình, mà vẫn có tâm lý là xây dựng cho cấp trên hoặc cho người khác.

Mặc dù đã dồn điền đổi thửa, nhưng hiện đồng ruộng của Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, thực tế mỗi hộ chỉ có 6 -7 sào đến 1 mẫu, khi dồn nhiều mảnh lại thì chỉ là tập trung ruộng về một mối, còn thực tế diện tích vẫn chỉ có như thế thôi. Một vấn đề nữa là vốn đầu tư trở lại cho nông nghiệp còn rất mỏng, nhỏ nên muốn làm ăn lớn cũng không được.

Dù có điều kiện về thị trường với dân số đông, nhưng có vẻ như nông nghiệp Hà Nội vẫn chưa thực sự phát triển theo tính hàng hóa, còn nông dân chưa tận dụng hết cơ hội để liên kết với nhau. Theo ông, vấn đề này cần được giải quyết ra sao trong thời gian tới?

- Hiện nay nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, liên kết giữa các hộ nông dân chưa được bền vững, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa chú trọng đến khâu bảo quản, chế biến nông sản và sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.


" Để hỗ trợ nông dân, thành phố cần đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có chính sách khuyến khích, ưu tiên đối với các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp. Đồng thời, quan tâm đầu tư, xây dựng địa điểm sơ chế, bảo quản sản phẩm nông sản, hỗ trợ nông dân xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp”.
Ông Trịnh Thế Khiết

 

 

Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở sản xuất còn hạn chế, trong khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất khiêm tốn. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, vật tư nông nghiệp giả... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông dân.

Trong đó có tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường đã gây hệ lụy xấu đến chất lượng nông sản.

Do đó, Hội Nông dân TP.Hà Nội đã xác định, muốn tháo gỡ được khó khăn, phải tạo được sự liên kết với các nhà khoa học để giúp nông dân chuyển giao KHKT nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng chất lượng nông sản. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất cho nông dân, qua đó giúp tăng năng suất lao động, cải tiến chất lượng, mẫu mã của sản phẩm.

Hội Nông dân cũng sẽ liên kết với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và khai thác tối đa nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất…

Trên địa bàn Hà Nội hiện xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân  giỏi, tiêu biểu trong làm ăn, sáng tạo trong ứng dụng tiến bộ KHKT và thích ứng tốt trong hội nhập. Ông có thể cho biết cụ thể về những mô hình này?

- Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 300 trang trại được phát triển theo hướng quy mô hộ và một nhóm hộ. Các trang trại này tổ chức chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản, phát triển lâm nghiệp rất có hiệu quả.

Với những mô hình này, họ có vốn để đầu tư, đặc biệt là tập trung được diện tích đất lớn để đầu tư sản xuất. Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền nhân rộng các mô hình này để từ đó người dân học tập và mở rộng ra.

Hiện đã có những doanh nghiệp đầu tàu, có những nông dân trở thành doanh nghiệp doanh nhân, công dân ưu tú của Thủ đô; có người tạo công ăn việc làm cho người dân rất lớn. Họ không những tham khảo trong nước, mà còn đi học tập ở nước ngoài để ứng dụng các giống lợn, gà mới, các máy móc sản xuất. Những mô hình này chính là đầu tàu để kéo sự phát triển của nông nghiệp Thủ đô tới đây.

Xin cảm ơn ông!