Trang trại tiền tỷ nhìn đâu cũng ra con đặc sản
- Thứ tư - 10/01/2018 10:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đàn hươu nai nuôi thả trong trang trại đặc sản của gia đình ông Trịnh Văn Tiến. Ảnh: Tiến Lý.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, địa hình đồi núi, nhiều nông dân ở xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các trang trại nuôi con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, cho giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Nhân công đang chăm sóc đàn hươu nai tại trang trại đặc sản của ông Trịnh Văn Tiến. Ảnh: Hạnh Chi.
Trang trại nuôi con đặc sản của gia đình ông Trịnh Văn Tiến, thôn 12, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) là một mô hình chăn nuôi quy mô lớn với hàng nghìn con nhím, hươu, nai, ngựa, lợn, gà, cá… cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Ông Trịnh Văn Tiến, chủ trang trại cho biết: Trang trại của tôi được xây dựng và phát triển gần 10 năm nay, trên diện tích gần 10 ha gồm cả mặt nước và diện tích đồi núi. Ban đầu, tôi đưa vào nuôi một số con nuôi truyền thống như gà đồi, lợn rừng, tiếp đến đưa vào nuôi thêm các con nuôi đặc sản như nhím, hươu, nai, sau đó nuôi thêm ngựa. Cùng với đó, trên diện tích hơn 2ha mặt nước, tôi thả các loại cá, tập trung vào cá trắm, trôi, mè, chép, chim…, nuôi trong thời gian dài, bán tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm, ngon.
Ông Trịnh Văn Tiến đang chăm sóc đàn ngựa nuôi trong trang trại đặc sản của gia đình. Ảnh: Mai Lan.
Hiện trang trại con nuôi đặc sản của ông Tiến đang nuôi 150 con nhím, trong đó có 40 cặp nhím bố mẹ; trên 400 con hươu, nai, 20 con ngựa; hàng trăm con dê, gà, lợn, chim…, mỗi năm xuất bán hàng tấn sản phẩm con nuôi đặc sản; 2 ha nuôi thả cá hàng năm thu hoạch hàng chục tấn cá các loại. Tổng doanh thu của trang trại mỗi năm vài tỷ đồng. Ngoài cung cấp nguồn thực phẩm từ con nuôi, các loại cá an toàn, trang trại của ông Tiến còn nhân giống các con nuôi đặc sản cung cấp cho nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã có nhu cầu, nhân rộng thêm các mô hình chăn nuôi trên địa bàn xã Đông Sơn và thành phố Tam Điệp.
Nhím thịt nuôi trong trang trại đặc sản của gia đình ông Trịnh Văn Tiến. Ảnh: Tiến Lý.
Theo ông Nguyễn Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, năm 2014, nhiều hộ chăn nuôi tại thôn 12 và một số thôn của xã Đông Sơn đã liên kết thành lập Tổ hợp tác “Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản”. Tổ hợp tác có vai trò liên kết các hộ chăn nuôi nhằm tạo thành quy trình sản xuất khép kín từ cung cấp nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc đến việc bao tiêu sản phẩm. Tổ hợp được hoạt động theo quy chế tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Qua đánh giá bước đầu cho thấy, Tổ hợp hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Dê là 1 trong những con đặc sản được nuôi trong trang trại đặc sản của gia đình ông Trịnh Văn Tiến và trong trang trại của nhiều hộ thành viên Tổ hợp tác "Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản". Ảnh: Tiến Lý.
Ông Trịnh Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác “Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản” cho biết: Tuy mới thành lập được hơn 3 năm nhưng Tổ hợp đã thu hút được khá đông thành viên tham gia. Ban đầu có 13 thành viên, đến nay Tổ hợp thu hút gần 30 hộ tham gia và không chỉ riêng tại xã Đông Sơn mà mở rộng ra một số địa phương khác trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Hiện Tổ hợp duy trì trên 3 nghìn con nuôi đặc sản, trong đó tập trung vào các con nuôi có giá trị kinh tế cao như hươu, nai, dê, lợn rừng, lợn cắp nách, ngựa, nhím… Bình quân hàng năm, Tổ hợp xuất bán gần 40 tấn sản phẩm vật nuôi thương phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Hươu, nai, lợn rừng cùng "sống chung" trong trang trại. Ảnh: Tiến Lý.
Được biết, do có sự liên kết, thống nhất trong Tổ hợp tác từ khâu tìm kiếm đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm với giá bán, phương tiện vận chuyển tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên các thành viên trong Tổ tiết kiệm được nhiều chi phí, không bị ép giá trong mọi thời điểm, kể cả khi sản phẩm xuất chuồng quy mô lớn, gặp điều kiện không thuận lợi về thị trường, thời tiết. Đặc biệt, các sản phẩm trong Tổ hợp tác được chứng nhận về chất lượng sản phẩm nên khi đưa ra thị trường tiêu thụ luôn được giá và được khách hàng tín nhiệm đặt dài hạn. Bản thân gia đình ông Tiến cũng đã mở 2 nhà hàng trên địa bàn thành phố Tam Điệp chuyên cung cấp và giới thiệu các sản phẩm con nuôi đặc sản của gia đình và Tổ hợp tác, thu hút nhiều khách hàng đến thưởng thức và tiêu thụ.
Cá chép là 1 trong những sản phẩm từ trang trại đặc sản của gia đình ông Trịnh Văn Tiến. Ảnh: Tiến Lý.
Cũng theo ông Tiến, với việc tham gia Tổ hợp, các thành viên được khá nhiều lợi ích: Được tập huấn về KHKT từ các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp; được giới thiệu những cây, con nuôi mới có giá trị kinh tế cao, đặc sản phù hợp với đồng đất và địa hình của địa phương; được học tập kinh nghiệm trong chăn nuôi tại các địa phương trong và ngoài tỉnh…Từ đó các thành viên có nhu cầu, có niềm yêu thích sẽ có thêm điều kiện mạnh dạn đầu tư kinh phí mở rộng chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Thời gian tiếp theo, Tổ hợp tác tiếp tục hỗ trợ, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để cùng trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau khi thành viên gặp khó khăn về giống, vốn…, góp phần giúp các thành viên yên tâm đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, tích cực xây dựng Tổ hợp tác ngày càng phát triển.