Trao “cần câu” đúng cách
- Thứ hai - 02/06/2014 21:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở nhiều nơi, sau khi học nghề nông dân đã tự tạo được việc làm và còn giúp nhiều người khác có thu nhập. Năng suất và giá trị kinh tế tăng lên đáng kể cùng với tay nghề. Dạy nghề cho lao động nông thôn thực sự là một đề án có tính nhân văn, tạo “cần câu” bền vững để bà con có điều kiện đổi mới sáng tạo và làm giàu thay vì phải trông chờ vào “con cá” hỗ trợ từ ngân sách, góp phần xây dựng nông thôn mới. Theo mục tiêu của đề án, mỗi năm sẽ dạy nghề cho khoảng 1 triệu nông dân và đào tạo trình độ cho cán bộ cấp xã. Đến năm 2020, tổng số lao động nông thôn đã qua đào tạo là hơn 11 triệu người.
Hành trình hướng tới mục tiêu đã đi được 1/2 quãng đường và chỉ còn hơn 5 năm nữa. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả song các chuyên gia nông nghiệp cũng đưa ra nhận xét: đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua vẫn còn nặng tính hình thức, theo phong trào, tỷ lệ nông dân sống được với nghề đã học chiếm tỷ lệ ít và hiệu quả còn khiêm tốn… Trong khi đó, tổng vốn bỏ ra khá lớn với khoảng 26.000 tỷ đồng cho cả đề án và trong giai đoạn 2010 - 2015 là 13.000 tỷ đồng.
Tại một hội nghị về sơ kết đề án dạy nghề nông nghiệp, có lãnh đạo địa phương than phiền một số chương trình dạy nghề quá cứng nhắc và áp đặt, xa rời nhu cầu thực tế của bà con nông dân. Có nơi bà con chỉ quen đánh tôm, đan rọ thì lại đầu tư cho đi học mô hình nuôi công, chim trĩ… Đại diện tỉnh Lai Châu còn dẫn chứng trên địa bàn hiện có tới 90% nông dân tham gia các sản phẩm chủ lực như cao su, chè, lúa chất lượng cao nhưng chương trình đào tạo nghề lại tập trung vào những thứ “viển vông” như điện tử - điện lạnh, sửa chữa xe máy, vi tính… Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) cho rằng, nếu nông dân trồng cà phê, cao su mà được dạy thêm nghề sửa chữa máy bơm, cạo mủ cao su hoặc kỹ thuật sơ chế bảo quản thì sẽ giúp bà con nâng cao hiệu quả làm ăn lên rất nhiều.
Rất trăn trở với đề án, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng bên cạnh đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới thì dạy nghề cho lao động nông thôn cũng là đề án để triển khai mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Tuy nhiên, để có hiệu quả thì phải sớm rút kinh nghiệm và có cách làm sáng tạo. Không thể dạy kiểu phong trào, rập khuôn. Mục tiêu bắt đầu triển khai từ năm 2015 trở đi là mỗi làng phải có một nghề hoặc tạo ra 1 - 3 sản phẩm cây con chủ lực, đặc trưng. Người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng mỗi làng một nghề - sản phẩm cũng là mô hình mà nhiều nước đã làm thành công và có như vậy mới tạo ra lợi thế riêng để chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm. Điều này cũng giúp điều tiết nguồn cung và thị trường, tránh tình trạng hàng dư thừa, cạnh tranh không lành mạnh hoặc bị ép giá…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu yêu cầu tạo điều kiện cho nông dân được học nhiều nghề để chủ động chuyển đổi khi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, quỹ đất sản xuất, vùng nguyên liệu… nhưng với điều kiện phải dạy những nghề mà nông dân thực sự cần, phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương và có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tất nhiên đối với dạy nghề nông nghiệp, cũng không nên chạy theo tất cả nhu cầu muôn hình vạn trạng của nông dân, dẫn tới một nền nông nghiệp tủn mủn, hàng xén mà phải chọn lọc những mặt hàng có giá trị và chiến lược để giúp nông dân làm ăn lâu dài, hiệu quả.
Đề án 1956 đã có tác dụng tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người nông dân. Nhưng nếu cứ giữ mãi phương thức đào tạo kiểu “sách vở” như hiện tại thì không chỉ lãng phí tiền của nhà nước mà còn làm lãng phí thời gian và công sức của người dân.
VĂN PHÚC
theo sggp