Trên 17.000 tỷ đồng đầu tư đường giao thông nông thôn Tây Nguyên
- Thứ sáu - 28/08/2015 11:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư trên 17.000 tỷ đồng xây dựng mới hơn 1.500km đường và cứng hóa gần 11.500km đường giao thông nông thôn, với 474 cầu cống các loại.
Mạng lưới giao thông khu vực Tây Nguyên hiện có tổng chiều dài trên 39.800km, chiếm hơn 7% của cả nước, đạt tỷ lệ cứng hóa gần 48%; trong đó, quốc lộ có hơn 2.500km, cứng hóa đạt trên 88%, hệ thống đường tỉnh hơn 1.900km đã cứng hóa đạt 85% và đường giao thông nông thôn hơn 35.300km nhưng tỷ lệ cứng hóa mới đạt gần 43%, thấp hơn hơn 6% so với bình quân chung của cả nước.
Cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đồng tình ủng hộ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên năm năm qua, đồng bào các dân tộc trong vùng đã đóng góp trên 740 tỷ đồng, chiếm hơn 4% trong tổng vốn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn và sự giúp đỡ của các nước, tổ chức quốc tế trong các chương trình, dự án ODA nên hệ thống giao thông nông thôn ở vùng Tây Nguyên phát triển nhanh.
Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn Tây Nguyên đã có đường ôtô đến trung tâm xã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mạng lưới giao thông nông thôn ở vùng Tây Nguyên đầu tư chưa được đồng bộ, còn nhiều bất hợp lý, chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch. Mặt khác, quy hoạch phát triển giao thông nông thôn ở vùng Tây Nguyên vẫn còn hạn chế, kết nối với các loại hình vận tải khác, quy hoạch thoát nước và các quy hoạch khác chưa đồng bộ, nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn kinh phí bố trí hàng năm thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các địa phương trên địa bàn.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng kiến nghị với Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, kể cả chính sách tín dụng cho doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư và huy động nguồn lực nhằm phát triển hệ thống giao thông vận tải tại các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Ưu tiên bố trí vốn từ nguồn vốn phát triển giao thông vận tải cho Tây Nguyên để sớm hoàn thiện mạng lưới đường giao thông nông thôn Tây Nguyên theo quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần có chính sách ưu tiên phát triển giao thông nông thôn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới trong đảm bảo quốc phòng, an ninh nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, giảm chênh lệch giữa các vùng, miền trên địa bàn Tây Nguyên./.
Quang Huy
Theo vietnamplus.vn
Theo vietnamplus.vn