Trên 50% HTX ở Nghệ An hoạt động cầm chừng
- Thứ tư - 12/07/2017 03:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, 269/616 HTX hoạt động có hiệu quả (chiếm 43,66%); 332/616 HTX hoạt động cầm chừng (chiếm 53,89%); 15 HTX chờ giải thể (chiếm 2,43%).
Sở dĩ phần lớn HTX hoạt động cầm chừng là sau chuyển đổi theo Luật HTX 2012, nhiều HTX, nhất là lĩnh vực nông nghiệp quy mô nhỏ, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, hoạt động kinh doanh hiệu quả chưa cao, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên và nông dân còn rất hạn chế…
Số xã chưa có HTX chủ yếu là ở các huyện miền núi (Kỳ Sơn có 17 xã, Tương Dương có 13 xã, Thanh Chương có 13 xã, Nghĩa Đàn 9 xã); việc thành lập HTX trên địa bàn các xã miền núi rất khó thực hiện bởi các xã này không có nhu cầu thành lập HTX; còn lại một số xã thuộc vùng đồng bằng (như Nghi Lộc có 9 xã) chưa có HTX, tuy nhiên số này chiếm tỷ lệ ít hơn.
Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án đổi mới và phát triển HTX giai đoạn 2014 - 2020 tại Quyết định 231/QĐ-UBND ngày 20/1/2014; đồng thời tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX tại Quyết định số 87/2014/QD-UBND ngày 17/11/2014 ''quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh'', theo đó mỗi HTX thành lập mới được hỗ trợ 20 triệu đồng. Như vậy, trong thời gian qua, vấn đề chỉ đạo thành lập và chuyển đổi HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 đã được các cấp, các ngành rất quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Cùng đó, công tác phối hợp giữa HTX với các sở, ngành, địa phương trong phát triển HTX kiểu mới chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Trước thực tế đó, Liên minh HTX tỉnh đang tích cực phối hợp triển khai xây dựng chuỗi liên kết, thành lập các Liên hiệp HTX, làm tốt vai trò cầu nối để các HTX thực hiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.