Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam
- Với tổng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giao trong năm 2014 là 4.756 tỷ đồng, quyết định của Thủ tướng đã phân rõ vốn cho khu vực miền núi phía Bắc là 1.515 tỷ đồng; đồng bằng sông Hồng 603 tỷ đồng; miền Trung 1.379 tỷ đồng; Tây Nguyên 351 tỷ đồng; Đông Nam Bộ 131 tỷ đồng; ĐBSCL 786 tỷ đồng.
Nguồn vốn này được giao dựa trên các căn cứ nghị quyết của Quốc hội, trong đó ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã nghèo theo Nghị quyết 30a; các xã điểm do T.Ư chỉ đạo; các xã phấn đấu đạt từ 13 tiêu chí trở lên, để đến 2015 các xã này sẽ đạt 19 tiêu chí và hỗ trợ một phần cho các xã còn lại.
Đường làng, ngõ xóm ở xã Tri Trung (Phú Xuyên, Hà Nội) khang trang, sạch đẹp.
Hiện nay nguồn vốn này đang được triển khai theo đúng quyết định. Giao cho từng vùng là như vậy, nhưng khi về tỉnh, chính quyền địa phương đó sẽ rà soát lại, rồi quyết định phân bổ nguồn vốn đó như thế nào. Chúng ta giao quyền chủ động nguồn vốn TPCP cho các tỉnh, chứ T.Ư không tham gia chỉ đạo. Các địa phương sẽ căn cứ vào các tiêu chí đã nêu để bố trí, tập trung vốn ở đâu cho phù hợp.
Trong xây dựng NTM, chúng ta vẫn xác định phát triển sản xuất, tăng thu nhập là tiêu chí quan trọng nhất, vậy vì sao vốn TPCP giao như trong quyết định lại chỉ tập trung đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thưa ông?
- Không phải như vậy, mà trong chỉ đạo của T.Ư đã chỉ rõ: Tùy vào điều kiện của từng tỉnh mà triển khai, lựa chọn các tiêu chí sao cho phù hợp. Ví dụ, với tỉnh đã làm tốt cơ sở hạ tầng rồi thì phải ưu tiên cho xây dựng mô hình sản xuất, hay chuyển sang xây dựng các tiêu chí văn hóa, môi trường, chứ không phải chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thực tế cho thấy, trong 3 năm qua, các địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo nhiều cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đây cũng chính là kết quả nổi bật nhất trong thời gian qua, bởi cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ban chỉ đạo T.Ư đã nhấn mạnh, ngoài hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chúng ta cần quan tâm đến các tiêu chí khác, đặc biệt là xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để tăng thu nhập cho người dân. Đây mới là tiêu chí cơ bản, quan trọng nhất, để làm sao người dân thoát nghèo, thu nhập khá lên, từ đó chương trình mới có hiệu quả và bền vững.
Trên hết, việc điều hành triển khai 19 tiêu chí như thế nào cần căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương. Tôi đã đi nhiều tỉnh, thấy có nơi tập trung vào 5 hoặc 6 tiêu chí cơ bản như xây dựng cơ sở hạ tầng, nước sạch, môi trường, mô hình sản xuất, thu nhập… Điều này do quyền chủ động của các địa phương.
Đây là năm đầu tiên, nguồn vốn TPCP 15.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM giai đoạn 2014 – 2016 được giải ngân. Ông đánh giá ra sao về sự đầu tư này?
- Trong chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng NTM phải do người dân quyết định, huy động cộng đồng cùng quan tâm, tạo nguồn lực để xây dựng. Mặc dù hàng năm T.Ư cũng trích một phần ngân sách hỗ trợ cho các địa phương để triển khai xây dựng NTM, song nguồn vốn này cũng rất hạn chế. Trong khi đó, thời gian qua việc huy động nguồn lực trong dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, sản xuất gặp khó khăn. Vì vậy mà vừa qua, T.Ư, Chính phủ thông qua Quốc hội đã nhất trí cấp 15.000 tỷ đồng TPCP cho NTM.
Đây là một nguồn lực rất quan trọng, nhằm tạo bước đột phá để các địa phương thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần hiểu đây là nguồn vốn hỗ trợ, tạo động lực thôi, cái chính vẫn là huy động ở địa phương và trong dân. Qua việc phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016, chúng ta hy vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo xây dựng NTM. Điều mà cá nhân tôi cũng như rất nhiều người tâm đắc là chương trình này đã và đang đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân ủng hộ.
Theo ông, chúng ta sẽ sử dụng, quản lý nguồn vốn TPCP như thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí?
|
Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo T.Ư đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải triển khai, huy động vốn dựa trên khả năng của người dân ở nơi đó, không huy động quá sức dân, không chạy theo thành tích. Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, lâu dài, do đó chúng ta cũng không thể nóng vội được.
Để khắc phục những hạn chế, điều quan trọng nhất là các địa phương phải khơi dậy được phong trào xây dựng NTM tại địa phương đó; thứ hai là phải lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân để lựa chọn việc nào là phù hợp, hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình quản lý, triển khai, giám sát.
Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đã giao Bộ NNPTNT nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện điều kiện công nhận huyện, tỉnh đạt chuẩn NTM. Ông có thể cho biết bao giờ Bộ hoàn thành dự thảo này?
- Cụ thể là ngày nào thì chúng tôi chưa xác định được, nhưng hiện Bộ đang gấp rút hoàn thiện dự thảo theo chỉ đạo của Chính phủ để có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhằm tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo T.Ư.
Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ (thực hiện)
Theo Danviet.vn