Triển khai nhanh, đột phá mạnh

Triển khai nhanh, đột phá mạnh
(Baonghean) - Với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền từ cấp thị đến cấp xã bằng nhiều cách làm sáng tạo và đặc biệt là sự đồng thuận huy động nội lực từ nhân dân, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Thị xã Thái Hòa đã có hiệu quả rõ nét.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả 

Theo con đường nhựa len lỏi giữa những cánh rừng cao su xanh ngắt màu lá, chúng tôi đến xóm Phú Thuận, xã Tây Hiếu – nơi có mô hình nuôi o­ng lấy mật và trồng cao su phát triển mạnh, mang lại thu nhập khá cao cho người dân. Vừa gặp mặt, sau mấy câu chào hỏi, bác Nguyễn Văn Khương – xóm trưởng, đã nhiệt tình dẫn chúng tôi về thăm gia đình chị Trần Thị Nguyệt. Gia đình chị Nguyệt nhận 1,25 ha đất của Nông trường Tây Hiếu 1 nhưng trước kia chỉ biết trồng ngô, trồng lạc nên thu nhập chẳng là bao. Cho đến khi trồng cao su và năm 2002 bắt đầu đi vào khai thác mủ, cuộc sống cả nhà mới thực sự khấm khá lên. Với ngần ấy diện tích cao su khai thác, trung bình mỗi tháng thu nhập của gia đình được 5-7 triệu đồng. “Đó là do mủ cao su rớt giá, chứ năm 2010, giá cao, bình quân mỗi tháng cũng thu được  10 -12 triệu đồng”, chị Nguyệt cho biết. 

Không riêng gia đình chị Nguyệt, cả xã Tây Hiếu có 2.200 hộ dân, ngoài 2/3 là công nhân của nông trường, 1/3 số hộ nhận đất của Nông trường Tây Hiếu 1 để canh tác, chủ yếu trồng cao su. Ông Nguyễn Đình Châu – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang cây công nghiệp, chủ yếu là cây cao su, được xã xác định là hướng đi hiệu quả giúp nâng cao thu nhập của nhân dân khi triển khai xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện, xã đã làm việc với Nông trường Tây Hiếu để hỗ trợ về kỹ thuật cho bà con. Vì vậy, trong 2 năm qua, diện tích cao su tiểu điền trồng mới tăng nhanh, riêng tại xóm Phú Thuận đã có hơn 50 ha trồng mới”.

Cũng ở Tây Hiếu, mô hình nuôi o­ng lấy mật phát triển mạnh trong 2 năm qua, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Đầu năm 2013, CLB nuôi o­ng xóm Phú Thuận ra đời quy tụ được 42 hội viên say nghề, quyết tâm làm giàu với nghề nuôi o­ng lấy mật. Hiện nay, toàn CLB có tổng cộng hơn 300 đàn o­ng. Để hỗ trợ nghề nuôi o­ng, xã Tây Hiếu đã tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi o­ng. “Tiến tới xã sẽ xây dựng làng nghề nuôi o­ng ở Tây Hiếu làm sao phát triển hiệu quả, mang lại thu nhập bền vững cho người dân. Đây cũng là mô hình nòng cốt để xã thực hiện thành công tiêu chí thứ 13: “Hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Châu cho biết. 



Ông Mai Văn Dũng – Chủ nhiệm CLB nuôi o­ng xóm Phú Thuận, xã Tây Hiếu giới thiệu mô hình chăn nuôi o­ng mật.

Không chỉ nghề trồng cao su, hay nuôi o­ng ở Tây Hiếu, mà thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Thái Hòa đã hỗ trợ, triển khai nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế  cao như: bưởi hồng Quang Tiến; cánh đồng thu nhập cao tại khối Cồn Vang (phường Quang Phong) và làng Cộ (xã Nghĩa Mỹ); trồng rau an toàn theo Việt GAP tại xã Nghĩa Thuận; trồng khảo nghiệm 2 ha giống quýt PQ1 tại xã Nghĩa Tiến… đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Phát huy tối đa nội lực trong nhân dân

Xác định trong quá trình xây dựng NTM, người dân đóng vai trò chủ thể, TX Thái Hòa đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, từ đó vận động nhân dân phát huy nội lực cùng Nhà nước thực hiện. Ở tất cả các phường xã, người dân đã tự nguyện tham gia góp công, góp của để hình thành nên nhiều con đường mới khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi về xã Nghĩa Mỹ - 1 trong 2 địa phương được chọn điểm thực hiện xây dựng NTM của Thái Hòa, được chứng kiến nhiều thay đổi trên miền quê này. 

Để phát huy hiệu quả nội lực của toàn dân, Nghĩa Mỹ đã khởi động rất sớm xây dựng NTM trên các tiêu chí giao thông nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình sản xuất…Nhờ vậy, trong làm đường giao thông, đã có 326 hộ dân hiến hơn 10.408m2 đất trị giá hơn 3 tỷ đồng, tháo dỡ hàng rào, đóng góp công để chỉnh trang mở rộng hơn 16km đường đạt chuẩn trong đợt 1. Bước vào đợt 2, nhân dân tiếp tục đóng 3.713m3 cát và 5.977 ngày công để xây dựng 10km đường giao thông bê tông tại 10 xóm, giúp Nghĩa Mỹ đạt chuẩn về tiêu chí đường giao thông nông thôn trong năm 2012. 

Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM đã giúp Thái Hòa có bước đột phá nhanh trong 2 năm thực hiện. Về xây dựng giao thông nông thôn, tính đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Thị xã đã cắm mốc được 100% tuyến đường trong quy hoạch, trong đó mở rộng đường giao thông thôn xóm với chiều dài gần 60km, nhân dân tự nguyện hiến 63.000m2 đất, đóng góp trên 3 tỷ đồng tiền mặt và trực tiếp tham gia 28.405 ngày công lao động.

Bên cạnh đó, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã đóng góp được hơn 4 tỷ đồng để chung sức xây dựng NTM. Tổng kết phong trào xây dựng NTM trong 2 năm qua của thị xã, có 2 xã đạt 14-18 tiêu chí, 3 xã đạt từ 9-13 tiêu chí. Trên khí thế phấn khởi và quyết tâm, vào dịp này, nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, Thái Hòa tiếp tục phát động tháng hành động xây dựng NTM trên toàn thị. Tin rằng, với quyết tâm cao, tinh thần vững của các cấp ủy đảng, chính quyền và  đặc biệt phát huy nội lực trong nhân dân, Thái Hòa sẽ hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình xây dựng NTM trong tương lai không xa.

 

Bài, ảnh: Thành Duy 
theo baonghean