Trồng cây cảnh - mũi nhọn kinh tế của Vị Khê

Trồng cây cảnh - mũi nhọn kinh tế của Vị Khê
Làng nghề cây cảnh Vị Khê thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, là làng cổ nhất của xã. Năm 1211 (thời Lý), quan Thái úy Tô Trung Tự đã đến nơi đây lập hành cung và truyền dạy nghề trồng hoa cây cảnh cho người dân. Hiện nay, 100% hộ dân nơi đây đều làm nghề cây cảnh.
 
 
Cùng với bề dày lịch sử của làng nghề truyền thống với những tên gọi khác nhau (Vị Giang và nay là Vị Khê), xã Điền Xá đã phát triển nghề trồng cây cảnh và nghề này đã trở thành mũi nhọn kinh tế quan trọng của địa phương. Nghề truyền thống của làng được phát huy trong những năm qua đã tạo nên nguồn thu chính của địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đưa mức thu nhập từ 6 triệu đồng/khẩu/năm (năm 1995) nên 12 triệu đồng/khẩu/năm (năm 2008) và đến nay, nhiều gia đình có thu nhập đạt tới từ 5-6 trăm triệu đồng/năm.
 

Ông Nguyễn Văn Chiến chăm sóc cây cảnh tại vườn nhà (Ảnh: Đ.H)
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Vị Khê cho biết, xã Điền Xá có 7 làng trồng cây cảnh với diện tích 450 ha, thì riêng làng Vị Khê diện tích trồng cây cảnh có tới 150 ha. 70% cây cảnh có giá trị cao nhất đều tập trung ở làng Vị Khê; 100% người dân nơi đây đều làm nghề trồng cây cảnh. Tùy theo từng năm, thu nhập bình quân đầu người từ 20-30 triệu đồng/năm, tổng thu nhập của một hộ bình quân trên 100 triệu đồng/năm (do trồng cây cảnh theo mô hình vườn nhà, nên thu nhập thường được tính chung cho cả hộ). Nhờ cây cảnh, kinh tế của các hộ ngày càng khá giả. Nhiều hộ gia đình đã mua được ô tô, xây được nhà biệt thự trị giá hàng tỷ đồng. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới tích cực. Kinh tế phát triển, nông dân yên tâm sản xuất và đầu tư cho con em đi học…

 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mô hình sản xuất cây cảnh ở Vị Khê rất đa dạng nhằm đáp ứng tốt nhất theo yêu cầu của thị trường. Có mô hình trồng cây loại nhỏ (mini) nhằm phục vụ đại chúng. Loại cây này thường có kích cỡ nhỏ và giá trị thấp, đáp ứng được nhu cầu trang trí bình dân của người dân; có mô hình trồng cây trang trí, sản phẩm của mô hình này thường cung cấp cho các khu du lịch sinh thái, khách sạn, công viên…; có mô hình trồng cây bóng mát. Sản phẩm của mô hình này thường được dùng cho đường phố ở các đô thị. Có mô hình trồng cây cảnh có giá trị kinh tế rất cao (loại cây cao cấp). Sản phẩm của mô hình này thường là những cây có giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đây là những cây thế, được uốn, tạo thế và chăm sóc đặc biệt công phu. Những loại cây này được người dân nơi đây coi là tài sản của gia đình, và được thừa kế cho từng thế hệ, coi như giá trị tích lũy. Trong vườn cây cảnh nhà ông Nguyễn Văn Chiến, có cây cảnh có độ tuổi lên tới trên 70 năm.
 

Nhờ nghề trồng cây cảnh, những ngôi nhà khang trang ngày càng nhiều (Ảnh: Đ.H)
Nhờ truyền thống lâu đời, kinh nghiệm làm nghề, chủng loại đa dạng, giàu tính nghệ thuật nên cây cảnh ở Vị Khê được nhiều người ưa thích. Cây cảnh ở Vị Khê được tiêu thụ trong khắp cả nước, và bước đầu đã xuất khẩu sang một số nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc… Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, do tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước đang gặp khó khăn, nên cây cảnh ở Vị Khê cũng đang gặp khó khăn về đầu ra. Đối với những cây ngắn ngày, khi không tiêu thụ được, quá lứa đã làm cho nhiều gia đình rơi vào tình trạng thua lỗ. Riêng đối với những cây lâu năm, cây càng để lâu, cây càng có giá trị. Tuy cây cảnh ở Vị Khê đã xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Do đó, chính quyền các cấp cần hỗ trợ và giúp đỡ làng nghề trồng cây cảnh ở Vị Khê đẩy mạnh hướng về xuất khẩu để tạo đầu ra cho sản phẩm.
Đ.H
Theo cpv.org.vn