Trồng dứa Queen thương phẩm

Trồng dứa Queen thương phẩm
Mô hình trồng giống dứa Queen góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở vùng đồi dốc, cao cưỡng; chuyển đổi đất trồng rừng kém hiệu quả sang trồng dứa...
Bà con xã Tân Thủy xuống giống dứa.
Bà con xã Tân Thủy xuống giống dứa.

Được sự hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lệ Thủy, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thủy (xã Tân Thủy) vừa thực hiện thành công mô hình “Trồng dứa thương phẩm” sử dụng giống dứa Queen.

Đây là loại giống dứa thơm phổ biến nhất ở Việt Nam, với đặc điểm nổi trội là rất giòn và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Mô hình được thực hiện trên diện tích 4 ha ở thôn Tân Truyền, xã Tân Thủy.

Sau hơn 1 năm thực hiện, qua các đợt kiểm tra, đánh giá, hội thảo đầu bờ… cho thấy, giống dứa Queen rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất đồi dốc, cao cưỡng ở xã Tân Thủy nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung. Cây phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, cho quả to.

Kết quả, mô hình thu được 114,24 tấn dứa thương phẩm, 10,1 tấn dứa tận thu và 130 nghìn chồi dứa dùng để nhân giống cho kỳ sản xuất tiếp theo. Kết quả hạch toán cho thấy, chi phí để sản xuất 1 ha dứa thương phẩm trong một chu kỳ sản xuất cần 99,09 triệu đồng, cho doanh thu đạt 151,5 triệu đồng, lãi ròng đạt 52,4 triệu.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Trải – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lệ Thủy, Chủ nhiệm mô hình cho biết: Trung tâm đang phối hợp với HTX tiếp tục duy trì sản xuất vụ dứa tiếp theo và liên kết với các hộ dân trên địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất, nhân rộng mô hình.

Để dứa dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Trải khuyến cáo, cây dứa trồng ở địa bàn huyện Lệ Thủy nên xây dựng lịch thời vụ lệch so với một số tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết trong khâu tiêu thụ, chế biến với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) trong thời gian tới…
 

Theo: Nguyễn Trung Hiểu/nongnghiep.vn