Trồng khoai nghịch vụ cạnh tranh Trung Quốc

Trước đây, nông dân chỉ trồng một vụ chính. Gần đây, bà con đã trồng thành công khoai tây trái vụ đảm bảo cung cấp cho thị trường quanh năm, cạnh tranh với sự thao túng của khoai Trung Quốc…
 

Đà Lạt là vùng trồng khoai tây tập trung, trong đó xã Xuân Thọ có diện tích trồng khoai tây lớn nhất. 

Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Xuân Thọ có diện tích khoai tây chính vụ khoảng 300ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Mỗi vụ, Xuân Thọ cung cấp cho thị trường 6.000 tấn củ thương phẩm. Vụ chính khoai tây là từ tháng 10 tới tháng 2 năm sau.

Vườn khoai nghịch vụ tại Xuân Thọ.

Trước đây, bà con cũng đã trồng khoai vụ xuân hè (từ tháng 4 tới tháng 7), tuy nhiên do mưa nhiều nên sau đó chỉ tập trung vào vụ chính. Để giành lại thị phần từ sự thao túng của khoai tây Trung Quốc, bà con đã tìm ra cách trồng khoai trái vụ và đã thành công. Hiện diện tích khoai trái vụ của xã đã đạt khoảng 60ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, cung cấp cho thị trường xấp xỉ 1.000 tấn khoai... nghịch vụ…

Trồng khoai tây mùa nghịch cũng đòi hỏi công sức hơn nhiều so với việc trồng vào chính vụ. Anh Lê Tấn Trung (thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ) đã có trên 20 năm gắn bó với cây khoai tây, cho biết: Vụ nghịch thường gặp mưa nhiều, cây khoai hay bị mốc sương trên lá và tuyến trùng hại củ, phải chăm rất kỹ. Dù vậy, nông dân vẫn quyết tâm trồng vì khoai được giá, thương lái vào mua tận vườn.

Hiện tại, giá củ thương phẩm là 12.000/kg, so với 7.000-8.000 đồng/kg khoai chính vụ. Thêm vào đó, trồng khoai nghịch vụ chi phí cho phân bón ít hơn, thời gian trồng ngắn… Hiện giống khoai vụ nghịch vẫn là giống BO 3 (khoai ruột vàng truyền thống Đà Lạt).