Trồng rừng gắn với kinh tế trang trại cho hiệu quả kinh tế cao

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền thông qua các chương trình như Chương trình 30a, nông thôn mới, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mới để tăng thêm thu nhập. Điển hình như mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp trồng rừng kinh tế đã giúp nhiều người dân vượt qua đói nghèo.
Các cán bộ kiểm lâm kiểm tra vườn rừng của hộ gia đình ông Hoàng Văn Tuấn (52 tuổi ở xã Cát Vân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh Nguyễn Nam - TTXVN
Nằm cách thành phố Thanh Hóa gần 60 km, huyện miền núi Như Xuân có diện tích 52.614 ha rừng và đất lâm nghiệp, cuộc sống của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng đệm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nhân dân còn thiếu đất sản xuất và sinh sống chủ yếu dựa vào rừng tự nhiên, theo tập quán cũ nên công tác xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại kết hợp trồng rừng còn gặp khó khăn.

Từ thực tế đó, chính quyền huyện Như Xuân đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thâm gia phát triển kinh tế trang trại và trồng rừng nhằm góp phần ổn định kinh tế lâm nghiệp, tăng giá trị sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân và duy trì ổn định độ che phủ rừng.

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Như Xuân, toàn huyện có khoảng 162 trang trại tiêu biểu, có 38 trang trại chăn nuôi, còn lại là trang trại cây ăn quả, trang trại nông, lâm kết hợp. Nhờ sự hướng dẫn, tư vấn sản xuất của cán bộ nông nghiệp, người dân các bản, làng đã thực hiện tốt các phương pháp sản xuất có quy mô, có giá trị thu nhập của các trang trại ngày càng tăng.

Tổng diện tích đất sử dụng của các trang trại khoảng 1.909 ha, chủ yếu trồng cây hàng năm, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn, rau màu và các loại cây lâm nghiệp lâu năm, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ đó, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân và duy trì ổn định độ che phủ rừng.

Anh Lê Minh Hải, thôn 8, xã Xuân Hoà cho biết đã khởi nghiệp từ năm 2008 thông qua sự hỗ trợ của chương trình nông thôn mới. Anh vay mượn thêm tiền của người thân, tổng cộng số vốn ban đầu là 15 triệu và dùng số tiền này mua cây giống, xây dựng trang trại nhỏ để phát triển kinh tế. Ban đầu vốn ít nên anh chỉ trồng sắn, trồng mía, cỏ voi. Sau đó, anh mua thêm 3 ha đất để trồng cây lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi. Đến nay, trang trại của anh đã có diện tích lên tới 15 ha, thu nhập bình quân trang trại anh khoảng 215 triệu đồng/năm.

Anh Lê Duy Vĩnh, thôn 6 xã Bãi Trành chia sẻ, khởi đầu từ năm 2007, gia đình anh chỉ có 1 con lợn sinh sản cùng 0,4 ha cây cao su, 200 cây mía. Đến nay, trang trại của anh đã được mở rộng diện tích lên tới 10 ha, 1 quả đồi trồng cây cao su, cây keo cùng 5 con lợn, 100 con gà, vịt. Hiện thu nhập bình quân của trang trại anh khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Nói về vấn đề phát triển lâm nghiệp gắn với kinh tế trang trại, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân cho biết, huyện đã hướng dẫn các hộ dân nghèo xây dựng mô hình trang trại nông lâm tổng hợp để phát triển kinh tế, cũng như phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng ở những nơi đất rừng nghèo kiệt; khuyến khích các chủ rừng đầu tư sản xuất kinh doanh rừng. Đồng thời, làm tốt công tác thị trường, tiêu thụ sản phẩm qua đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trong cơ chế thị trường.

Như Xuân cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng hơn 900 ha rừng kinh doanh gỗ lớn, xây trên 200 trang trại có hiệu quả kinh tế cao gồm 80 trang trại chăn nuôi, 120 trang trại nông lâm kết hợp. Qua đó, nâng tổng số lao động làm việc thường xuyên trong trang trại là 1.500 lao động./.
Theo Nguyễn Nam/dantocmiennui.vn