Trụ đỡ cho QTDND phát triển an toàn

Trụ đỡ cho QTDND phát triển an toàn
Với mô hình hoạt động mới của hệ thống QTDND mà Ngân hàng Hợp tác (NHHT) là trung tâm, sự phát triển của hệ thống QTDND cả về số lượng và quy mô hoạt động đang góp phần tương trợ phát triển sản xuất khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hợp tác, HTX.

 

Tuy nhiên, những vấn đề yếu kém nội tại của hệ thống, và một số QTDND rời xa tôn chỉ mục đích hoạt động cũng đang đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý cũng như Hiệp hội các QTDND để đưa mô hình này về quỹ đạo phát triển an toàn.

Tính đến hết năm 2017, trên cả nước có 1.177 QTDND đang hoạt động với 1.643.425 thành viên ở 57/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tại 2.831 xã phường, thị trấn, tăng 11 QTDND so với năm 2016; số thành viên của các QTDND nhìn chung có xu hướng tăng.

Cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các QTDND

Tổng tài sản hệ thống tăng mạnh qua các năm, chủ yếu là tăng từ nguồn huy động vốn, còn vốn chủ sở hữu tuy tăng đều qua các năm nhưng chiếm tỷ trọng khoảng 6-7% tổng tài sản có. Tính đến 31/12/2017 tổng tài sản là 102.575,1 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 100.798 tỷ đồng, tăng 8.739 tỷ đồng so với 31/12/2016.

Theo Chủ tịch Hiệp hội QTDND, Phó tổng giám đốc NHHT Nguyễn Quốc Cường, hoạt động cho vay của các QTDND chủ yếu là các thành viên, chiếm tỷ trọng khoảng 99,5% tổng dư nợ, còn 0,5% là cho vay ngoài thành viên. Năm 2017 tổng dư nợ đạt 79.367,5 tỷ đồng, tăng 4.906,5 tỷ đồng so với 31/12/2016.

Nhìn chung các QTDND hoạt động hiệu quả, chênh lệch thu chi có xu hướng tăng, năm 2011 là 462,4 tỷ đồng, năm 2017 là 725 tỷ đồng. Nhóm hoạt động có hiệu quả là nhóm có quy mô tài sản từ 70 tỷ đồng trở lên.Tỷ lệ nợ xấu năm 2017 của hệ thống QTDND là 0,91% so với tổng dư nợ là một con số khá thấp.

“Nhìn chung, hệ thống QTDND trong thời gian qua không ngừng được tăng cường, củng cố, chấn chỉnh, về cơ bản hoạt động lành mạnh, hiệu quả theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra, đã khẳng định được vai trò to lớn của mình trong quá trình phát triển kinh tế hợp tác.

Hệ thống QTDND tạo được một kênh tín dụng thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi, ổn định tình hình trật tự, kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn nông nghiệp nông thôn”, ông Cường nhìn nhận.

Tuy nhiên, dù không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn quy mô vốn, song có sự phát triển không đồng đều giữa các QTDND trong hệ thống. Tính về vốn điều lệ bình quân khoảng 3 tỷ/QTDND, tuy nhiên không ít QTDND có vốn điều lệ dưới 1 tỷ và 500 triệu đồng. Quy mô tài sản có QTDND đã đạt tới trên 1.000 tỷ đồng, vượt xa con số bình quân toàn hệ thống 87 tỷ đồng/QTDND.

Song cũng đang còn khoảng 2,2% số QTDND có quy mô nguồn vốn nhỏ hơn 10 tỷ đồng; 79,3% có quy mô từ 10 - 100 tỷ đồng; 14,9% có quy mô từ 100 - 200 tỷ đồng; 2,7% có quy mô từ 200 - 500 tỷ đồng; 0,9% có quy mô nguồn vốn trên 500 tỷ đồng.

“Đây cũng là một thách thức trong quá trình phát triển, quản trị, trình độ cán bộ và giám sát tình hình hoạt động của cả hệ thống, đặc biệt là các QTDND có quy mô hoạt động lớn. Đối với QTDND có quy mô hoạt động nhỏ (dưới 5 tỷ đồng), thì khả năng thích ứng với các biến động của thị trường (như tăng, giảm lãi suất) thường thấp, khả năng cạnh tranh với các TCTD khác trên cùng địa bàn là hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng chưa theo kịp yêu cầu hoạt động”, ông Cường phân tích.

Cùng với đó, tại các QTDND, năng lực quản trị, điều hành, đạo đức nghề nghiệp còn có những bấp cập, yếu kém, lại đặt trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt. Hiện nay, trên thị trường tài chính các NHTM đang chú trọng mở rộng thị phần vào các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nắm bắt những công nghệ ngân hàng hiện đại, ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng để phát triển thị phần, trong khi đó, các QTDND do năng lực tài chính có hạn, nhất là các QTDND có quy mô nhỏ thì khả năng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại cho quản trị điều hành, cho các sản phẩm dịch vụ gặp nhiều khó khăn.

NHHT luôn song hành cùng hệ thống QTDND 

Thực tế cũng cho thấy, những QTDND làm ăn kém hiệu quả, gây thất thoát vốn thì đa phần là do hoạt động lệch hướng với tôn chỉ mục đích, trình độ quản lý, điều hành yếu kém…

“Từ đó cho thấy, để hệ thống QTDND không ngừng phát triển an toàn, hiệu quả, vượt qua được thách thức, điểm mấu chốt cần ưu tiên thực hiện đó là: Tăng cường thanh tra giám sát, để đảm bảo các QTDND thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là phục vụ thành viên; Tăng cường tính liên kết hệ thống giữa các QTDND, tính liên kết hỗ trợ giữa các thành viên với vai trò trung tâm là NHHT và Hiệp hội QTDND Việt Nam để hạn chế thấp nhất những bất cập về chênh lệch quy mô trong hệ thống”, Chủ tịch Hiệp hội QTDND nhìn nhận.

Riêng Hiệp hội QTDND, với 1.110 hội viên lại hoạt động trên phạm vi toàn quốc, công tác kết nối và hỗ trợ hội viên sẽ là một thách thức không nhỏ. Song, trong thời gian qua, Hiệp hội đã nỗ lực thực hiện vai trò kết nối hội viên, hỗ trợ hoạt động, tăng cường kết nối hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước.

Cùng với việc tham gia xây dựng chính sách liên quan đến QTDND, Hiệp hội đã phối hợp với NHHT kiến nghị Thống đốc NHNN về các cơ chế chính sách như lãi suất, hạn mức tín dụng và các vướng mắc trong cơ chế họat động quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-NHNN và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN…

 Hiệp hội phối hợp với NHHT xây dựng dự thảo quy định, mẫu biểu nghiệp vụ cho vay theo các nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN để các QTDND có thể tham khảo và hoàn thiện quy định, mẫu biểu cho vay của đơn vị mình. Bên cạnh việc thường xuyên phản ảnh những vướng mắc về cơ chế chính sách của các QTDND tới cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội cũng rất quan tâm đến công tác tư vấn cho các QTDND, hướng dẫn thực hiện các văn bản, chính sách mới giúp các QTDND thực hiện đúng các quy định của pháp luật…

Trong bối cảnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển hệ thống QTDND, nhất là trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, Hiệp hội đã coi công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Để chuẩn hóa công tác đào tạo cán bộ cho hệ thống, Văn phòng Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Ngân hàng, Vụ Tổ chức cán bộ và Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng hoàn thành việc chỉnh sửa bộ giáo trình đào tạo gồm 8 mô đun học theo Quyết định số 31/2006/QĐ-NHNN (nay là Thông tư số 04/2015/TT-NHNN) trình Thống đốc NHNN xem xét phê duyệt. Ngày 23/5/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND.

Tính đến thời điểm 31/12/2017, Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Ngân hàng, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức đào tạo nghiệp vụ cơ bản chuẩn hóa cán bộ QTDND được 74 lớp với 5.813 học viên từ các QTDND trên cả nước. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng mở nhiều khóa đào tạo cho cán bộ QTDND chuyên sâu theo chuyên đề.

Hiệp hội cũng đã tổ chức các khóa đào tạo nâng cao và phát triển “kỹ năng lãnh đạo QTDND” cho gần 700 học viên là lãnh đạo QTDND trên 3 miền Tổ quốc; đã tổ chức 18 chuyến khảo sát cho gần 500 cán bộ đi khảo sát học hỏi kinh nghiệm về Quỹ tín dụng tại Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia...

Hiệp hội QTDND Việt Nam cũng đã coi việc đào tạo, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tin học là một trong những mảng hoạt động quan trọng, giúp các QTDND phát triển sản phẩm mới, nhất là thực hiện cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Tính đến 31/12/2017 Hiệp hội đã mở rộng, triển khai cài đặt phần mềm ngân hàng bán lẻ (ITD-VAPCF) cho 412 QTDND; Nâng cấp và hoàn thiện phần mềm đảm bảo đáp ứng kịp thời công tác báo cáo của QTDND theo Thông tư 35/2015/TT-NHNN của NHNN; Hoàn thiện hệ thống phần mềm giám sát từ xa đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động của các QTDND của chi nhánh NHNN.

“Trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức đầu mối liên kết hệ thống”, ông Cường cho biết và nói rõ thêm, bên cạnh việc kết nối và hỗ trợ cho các hội viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hội viên, làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước.

Hiệp hội cũng đã tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cơ bản về nghiệp vụ QTDND, các khóa học về kỹ năng lãnh đạo, luật trong hoạt động ngân hàng, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng, kiến thức về marketing… tăng cường công tác tư vấn giải đáp những vướng mắc về cơ chế chính sách đảm bảo các QTDND hiểu một cách thống nhất các quy định của nhà nước.

Theo Bích Hợp//thoibaonganhang.vn