Trung tâm Khuyến nông quốc gia “đột phá” hợp tác quốc tế

Trung tâm Khuyến nông quốc gia “đột phá” hợp tác quốc tế
Tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) vừa tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam nhằm đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông giai đoạn 2020 - 2022.

Đây cũng là sự kiện quan trọng của ngành khuyến nông nhằm thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP), nhất là đối với các doanh nghiệp lớn, tổ chức quốc tế.

Giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất bền vững

Theo biên bản ghi nhớ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) và Syngenta Việt Nam sẽ thực hiện các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm; cơ giới hóa trong sản xuất lúa; sản xuất bền vững đối với từng mặt hàng cụ thể (như cà phê, chè, hồ tiêu, lúa, rau và cây ăn quả); phát triển sản xuất bền vững cây thức ăn phục vụ chăn nuôi.

 trung tam khuyen nong quoc gia “dot pha” hop tac quoc te hinh anh 1

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: M.H

Hai đơn vị cũng phối hợp thực hiện sản xuất hồ tiêu bền vững, áp dụng giải pháp của Syngenta để phòng trừ bệnh chết khô hồ tiêu; phát triển và trình diễn những giải pháp tốt để phòng trừ sâu keo mùa thu…

Theo đó, trong giai đoạn 2020 - 2022, hai đơn vị sẽ cùng phối hợp thực hiện các hoạt động tiêu biểu như tập huấn cho giảng viên khuyến nông các tỉnh về việc sử dụng cuốn sách "Sản xuất rau an toàn VietGAP" để đào tạo lại cho nông dân. Trình diễn các giải pháp bảo vệ thực vật của Syngenta trong cơ giới hóa khâu gieo sạ lúa để quản lý, phòng trừ cỏ và sâu bệnh hại lúa cho cán bộ khuyến nông và nông dân ĐBSCL.

Hướng dẫn nông dân sử dụng an toàn, hiệu quả các giải pháp để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tới các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Bà Lê Thị Khánh Hoà - Giám đốc Quản trị bền vững Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết: “Thông qua việc ký kết thoả thuận hợp tác, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần chuyển giao các công nghệ tiên tiến của thế giới để giúp họ nâng cao thực hành canh tác, ứng phó với biến đổi khí hậu. Riêng năm 2019, đã có khoảng 400.000 lượt nông dân Việt Nam tham gia các lớp tập huấn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật do Syngenta tổ chức”.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG cho biết: Trong thời gian qua, TTKNQG đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong công tác thử nghiệm, trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi mới. Riêng trong năm nay, chúng tôi dành nhiều nguồn lực để thực hiện các mô hình trình diễn cây ngô phục vụ chăn nuôi.

“Trong mục tiêu hợp tác với Syngenta Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề về khâu giống, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, chế biến và bảo quản cây ngô phục vụ chăn nuôi, đặc biệt là dịch sâu keo mùa thu” - bà Hạnh nói.

Khai thác nguồn lực từ đối tác công - tư

Tại buổi lễ ký kết, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG khẳng định: Đây là lần đầu tiên chúng tôi ký thoả thuận hợp tác với Syngenta Việt Nam nhằm thực hiện đẩy mạnh các hợp tác công tư (PPP), qua đó khai thác hiệu quả nguồn nhân lực cán bộ khuyến nông, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của TTKNQG, năm 2019 đơn vị đã phối hợp với hệ thống khuyến nông các cấp và cơ quan nghiên cứu thực hiện 287 lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến nông và tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 8.660 lượt cán bộ học viên; tổ chức 6 lớp đào tạo chuyên sâu về phương pháp và kỹ năng khuyến nông cho 180 cán bộ khuyến nông.

TTKNQG đã đổi mới về nội dung và phương pháp đào tạo như: Giảm thời lượng về kỹ thuật, tăng thời lượng về tổ chức quản lý sản xuất (liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc…); ưu tiên sử dụng phương pháp lớp học nông dân hiện trường, kết hợp với truyền thông…

Ngoài ra, trong năm 2019 TTKNQG tiếp tục làm tốt vai trò là đầu mối hợp tác quốc tế về khuyến nông với các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế trong các hoạt động quan trọng, như hội thảo khuyến nông các nước tiểu vùng sông Mekong (MELA) tại Đà Nẵng; hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) xây dựng và chuyển giao bộ tài liệu tập huấn “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”; thực hiện hiệu quả Dự án VnSAT; dự án giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật tại 14 tỉnh, thành phố…

“Ngoài các chương trình, dự án khuyến nông thường xuyên, đơn vị còn thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của ngành nông nghiệp như tổ chức 3 diễn đàn chăn nuôi lợn an toàn sinh học và phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; phòng chống bệnh khảm lá sắn; phòng chống sâu keo mùa thu; khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL...” - TS Lê Quốc Thanh nói.

Theo Minh Huệ/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây