Trưởng thôn nông thôn mới

Trưởng thôn nông thôn mới
Nông thôn mới là sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể, cả cộng đồng. Tuy nhiên, để hình thành nên sự chung sức đồng lòng ấy thì vai trò của cá nhân rất quan trọng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Triệu Văn Sơn, Trưởng thôn Làng Cằng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã để lại những dấu ấn rất đậm nét.

  

              Trưởng thôn Triệu Văn Sơn giới thiệu nhà văn hóa thôn Làng Cằng

Làng Cằng có địa hình phức tạp, khu dân cư chia cắt tới 6 chòm xóm. Bởi vậy, đây là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Chi Lăng. Trước khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phần lớn đường nội thôn là đường đất, tỷ lệ hộ nghèo cao và hướng phát triển kinh tế cũng chưa thực sự rõ nét. Trưởng thôn Triệu Văn Sơn tâm sự: tính đến nay, tôi đã 16 năm làm trưởng thôn, những khó khăn của thôn, tôi nắm rõ như lòng bàn tay, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tôi xác định song song với phát triển kinh tế thì cần tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, muốn có được điều đó, trưởng thôn phải làm trước.

Trước kia, người dân Làng Cằng cũng đã nhen nhóm phát triển cây ăn quả, nhưng chưa có hướng cụ thể. Thế rồi khi xã triển khai xong quy hoạch từ hạ tầng đến phát triển sản xuất, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ đã tích cực tuyên truyền, cùng với bà con phát triển sản xuất theo quy hoạch. Đất nông nghiệp từ hai vụ lúa, tăng thêm một vụ màu. Thế mạnh đồi rừng được phát huy, ngoài mở rộng diện tích na, các loại cây ăn quả mũi nhọn khác được đưa vào như vải thiều, hồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho trồng và chăm sóc cây ăn quả, ông Sơn vận động nhân dân làm đường lên đồi. Hướng đi đúng, hợp lòng dân nên được cả thôn đồng thuận.

Cả thôn đồng lòng dùng xe máy vận chuyển từng chút vật liệu, nhà nào cũng góp công, góp sức, chẳng mấy chốc, đường mòn lên đồi đã được bê tông hóa phẳng lỳ. Hạ tầng được củng cố, sản xuất phát triển hơn, số hộ nghèo trong thôn giảm nhanh và vững. Từ thôn khó khăn, đến nay, Làng Cằng chỉ còn 3 hộ nghèo trên tổng số 77 hộ gia đình. Ông Bế Văn Nghị, Trưởng thôn Làng Ngũa (thôn thuộc tốp đầu của xã) nhận xét: Làng Cằng giờ vượt cả Làng Ngũa rồi, xuất phát của Làng Cằng khó khăn hơn, mình cố một thì họ phải cố ba, thế mà giờ họ nổi trội lắm. Năm 2014 được coi là “đại hỷ” với người dân Làng Cằng, bởi từ một thôn khó khăn của xã, địa hình chia cắt, với sự chung sức, đồng lòng của người dân, thôn đã bê tông hóa xong đường giao thông, khánh thành nhà văn hóa.

Nhà văn hóa thôn Làng Cằng được đánh giá là khang trang nhất, nhì xã. Để làm được nhà văn hóa này, Trưởng thôn Triệu Văn Sơn đã kiên trì vận động chủ đất nhượng lại hơn 100 m2 mặt bằng với giá rẻ, rồi lại vận động từng gia đình đóng góp tiền mua vật liệu, tự thiết kế, thi công. Tính riêng trong năm 2014, nhân dân Làng Cằng đóng góp được khoảng 300 triệu đồng (chưa kể ngày công) xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Những ngày cuối năm, ông Triệu Văn Sơn, Trưởng thôn Làng Cằng vẫn tất bật với việc làng. Cuối tháng 12 mới đây, ông đã đứng ra ứng trước phần lớn kinh phí mua vật liệu, thuê nhân công để khởi công xây dựng cổng làng.

Ông Sơn cho biết: thôn nông thôn mới rồi, nhưng các thôn khác có cổng mà Làng Cằng thì chưa, nên phải thi đua, phấn đấu làm xong để xuân này, dân làng thêm vui, mình gương mẫu ứng trước chút kinh phí, bao giờ đến vụ quả, bà con lại huy động hoàn lại sau. Mọi việc trưởng thôn đều đi đầu vì tập thể nên người dân trong thôn đồng thuận rất cao. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Khai cho biết: sự gương mẫu, đi đầu vì việc chung của Trưởng thôn Làng Cằng như chất kết dính, tạo sự đoàn kết, chung sức đồng lòng trong toàn thôn, đó chính là yếu tố quan trọng góp phần cùng toàn xã xây dựng thành công nông thôn mới. 

Theo baolangson.vn