Trưởng xóm trồng rừng giỏi, có tấm lòng 'vàng'
- Thứ năm - 19/09/2019 10:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh Hiện là trưởng xóm Bãi Vàng (xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).
Trồng rừng thu tiền tỷ
Là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2017, gia tài của anh Phan Đức Hiện hiện có 38 ha rừng, trong đó, 7ha trồng cây phấn, còn lại là keo. Anh Hiện cho biết, keo trồng và khai thác gối nhau, bình quân mỗi năm, gia đình có khoản thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng từ bán cây, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 700 triệu đồng.
Anh Hiện thăm, kiểm tra việc sinh hoạt, học tập của các cháu học sinh. |
Bí quyết trở thành tỷ phú rừng, như anh tâm sự, chỉ đơn giản là muốn thoát cảnh đói nghèo. Anh là con cả trong gia đình đông anh chị em, có đến 8 người nên sớm trở thành lao động chính trong nhà, giúp bố mẹ làm ruộng nuôi các em ăn học. Lập gia đình riêng, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục đối mặt với khó khăn, quanh năm làm lụng vất vả cũng chỉ đủ ăn. Tính đến tương lai của hai con thơ, anh Hiện quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất sinh sống.
Anh Hiện nhớ lại, ra ở riêng, vợ chồng anh được bố mẹ cho gần 1 mẫu đất đồi và đất ruộng nhưng là đất khai thác cạn kiệt bỏ hoang lâu năm bị cuốn trôi hết lớp đất mặt, rất cằn cỗi. Vợ chồng anh tìm mọi cách cải tạo và tiết kiệm từ tiền bán con lợn, con gà để đầu tư vào trồng rừng. Đầu tiên là trồng mỡ nhưng không phát triển được, sau mới chuyển sang trồng keo. Những năm đó cây keo chưa có giá trị như bây giờ nhưng chỉ sau khoảng dăm bảy năm trồng cũng đã có một khoản.
Những năm đó, xóm Bãi Vàng dân cư thưa thớt, đất đồi bỏ hoang nhiều, vợ chồng anh tranh thủ mọi thời gian phát dọn, khai hoang quả đồi bên cạnh nhà để trồng keo. Có đồng tiền nào cũng gom góp lại để mua thêm đất trồng rừng.
Cây keo bây giờ dễ bán, người ta vào mua tận rừng, giá trị kinh tế khá cao. Anh đang trồng thử giống cây keo lai cấy mô để nhanh được khai thác và tỷ lệ sống cao.
Là trưởng xóm, đồng thời là hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương, anh Hiện rất có uy tín với bà con. Không chỉ luôn sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm làm ăn, gia đình anh Hiện cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình trong xóm, xã từ việc thuê lao động tham gia trồng, chăm sóc và khai thác rừng.
Dành nhà tiền tỷ cho học sinh ở trọ miễn phí
Anh Hiện chia sẻ, xóm Bãi Vàng giáp ranh với các xã vùng sâu vùng xa của huyện Võ Nhai (Thái Nguyên); huyện Yên Thế (Bắc Giang). Xóm có diện tích rất rộng, với gần 1.300ha đất tự nhiên, trong đó đất rừng chiếm hơn 70%; đất trồng chè 40ha và chỉ có 5ha đất trồng lúa, 5ha đất trồng màu. Xóm hiện có 154 hộ, với 8 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm 20%, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Tày… Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng. Trung bình mỗi hộ trồng từ 5-7ha. Hiện, xóm còn 50% hộ nghèo.
Chị Nguyễn Thị Hiền cho biết, nhà chị ở ngay đầu xóm, ra đến trung tâm xã Hợp Tiến gần 15km, những hộ cuối xóm thì phải hơn 20km. Đường giao thông từ xóm đến trung tâm xã rất khó khăn nhất là những hôm trời mưa thì phải lội đến cả chục khúc suối.
Mặc dù đã được sự quan tâm đầu tư rất lớn của nhà nước nhưng hiện xóm mới chỉ có điểm trường Mầm non và Tiểu học, học sinh cấp THCS phải ra điểm trường ở trung tâm xã. Những gia đình có điều kiện thì chia người hàng ngày đưa đón con em đến trường, còn lại nhiều em phải tự đi xe đạp hoặc ở trọ gần khu vực trường học. Có trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học vì không tìm được chỗ ở trọ.
Nhờ có khoản tiền dư dật, năm 2016 anh Hiện quyết định mua ngôi nhà 2 tầng ngay gần trường học, cả chi phí sửa sang, mua sắm đồ dùng sinh hoạt hết gần 1,5 tỷ đồng. Sau đó, anh thông báo cho các gia đình trong xóm nếu có cháu nào muốn thì cho ở nhờ.
Năm học vừa qua đã có 6 học sinh từ lớp 5 đến lớp 8 được ở trong rộng rãi, có đầy đủ giường chiếu, quạt mát và bàn học riêng, yên tâm học hành chứ không còn phải vất vả dầm mưa dãi nắng trèo đèo lội suối mỗi khi đến trường.
Đáp lại sự hào phóng, quan tâm của anh Hiện, các cháu bảo ban nhau ngoan ngoãn, tự giác chăm chỉ học hành. Không chỉ cho học sinh ở nhờ, anh Hiện còn vui vẻ dành phòng để bà nội của các cháu đến ở cùng để nấu ăn và chăm sóc các cháu.
Qua lời tâm sự của anh Hiện, chúng tôi được biết hai con của anh đã trưởng thành, cháu lớn là giáo viên cùng huyện, cháu nhỏ mới tốt nghiệp đại học. Trước đây các con của anh cũng phải học xa nhà, tìm chỗ ở trọ rất khó khăn. Chính vì đã trải qua những nỗi vất vả nên anh thực sự cảm thông với bà con chòm xóm. Đồng thời cũng là để động viên con trẻ tích cực học tập, anh đã rất vui vẻ giao nhà cho các cháu mà không hề tính toán thiệt hơn.
Ông Triệu Văn Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến cho biết, không chỉ làm kinh tế giỏi, trên cương vị là trưởng xóm Bãi Vàng, anh Phan Đức Hiện còn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương. Từ việc trồng rừng, anh Hiện đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và luôn sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm cho bà con nông dân. Năm 2018, anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen, ghi nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm, giai đoạn 2012-2017. Hiện anh cũng đang được tỉnh lựa chọn để đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |