Truy xuất nguồn gốc: Vải thiều Bắc Giang rộng đường tiêu thụ

Truy xuất nguồn gốc: Vải thiều Bắc Giang rộng đường tiêu thụ
Khoảng 60% sản lượng vải thiều của Bắc Giang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; các doanh nghiệp trong nước đăng ký thu mua khoảng 30% tổng sản lượng. Qua đây thấy, đầu ra của vải thiều Bắc Giang đã rộng mở.
1.jpg
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019.

Chủ động nâng cao chất lượng

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, sau vụ vải thiều 2018, tỉnh đã chủ động kiểm điểm, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào thực tiễn năm 2019 và các năm tiếp theo.

Trong đó, tỉnh tập trung ngay vào chỉ đạo sản xuất theo hướng tổ hợp tác và hợp tác xã, từ đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP. Áp dụng kỹ thuật thâm canh để nâng cao chất lượng quả vải đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, quả vải năm nay to hơn, vỏ đỏ hơn, chất lượng thơm ngon hơn.

Theo ông Thái, năm 2019, Trung Quốc áp dụng quản lý chất lượng sản phẩm truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả nhập khẩu vào nước này. Bắc Giang đã chủ động tập huấn cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải. Từ đó chủ động ngay từ tem nhãn truy xuất nguồn gốc; các doanh nghiệp chủ động về bao bì đóng gói.

Trung Quốc đã cấp 149 mã trồng với diện tích trên 16.000ha, sản lượng khoảng 90.000 tấn (tương đương 60% sản lượng vải toàn tỉnh) và 86 cơ sở đóng gói. Trên cơ sở được cấp mã vùng, huyện Lục Ngạn đã chủ động in tem nhãn in chìm vào thùng xốp, đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc.

“Như vậy, từ sản xuất đã có mã vùng, cơ sở đóng gói cũng đã có tem nhãn đầy đủ, vải thiều có chất lượng. Do vậy, vải Bắc Giang đủ điều kiện để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc theo đúng yêu cầu mà phía bạn đề ra”, ông Thái cho biết.

Đáng chú ý, năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20ha. Các vườn vải tham gia mô hình này được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử..

Lục Ngạn có gần 15.000ha vải thiều. Ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ, tổng diện tích 217,89ha đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường nước này; năm nay, Trung Quốc đã cấp 36 mã vùng trồng vải thiều Lục Ngạn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu tại 30 xã, thị trấn với sản lượng 80.000 tấn. Đây là điều kiện thuận lợi, là cơ sở để vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước khác.

Sau gần 1 tuần thu hoạch vải thiều chín sớm, giá vải thiều tại Bắc Giang đạt bình quân 30.000 - 50.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là năm mà chất lượng vải thiều đạt cao nhất của tỉnh Bắc Giang.

Chuẩn bị tốt thị trường

Để giúp bà con tiêu thụ vải, Bắc Giang đẩy mạnh công tác xúc tiến, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, ngày 24/5, tại thị xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với chính quyền thị xã Bằng Tường tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019.

3.jpg
Giá vải thiều tại Bắc Giang đạt bình quân 30.000 - 50.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 300 doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm, phía Bằng Tường đồng ý mở lối đi riêng cho vải thiều qua biên giới, tạo điều kiện thông quan kiểm dịch, chỉ đạo lực lượng chức năng làm thêm giờ, với quan điểm hết việc chứ không hết ngày, đảm bảo đưa quả vải nhập khẩu vào Trung Quốc nhanh nhất, ngon nhất.

Dự kiến lượng vải xuất khẩu của Bắc Giang chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 40 - 45%. Cùng với đó, tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore…

Theo ông Thái, thị trường nội địa rất quan trọng, đến nay, có nhiều doanh nghiệp đến ký kết tiêu thụ. Đặc biệt, các hệ thống siêu thị, tập đoàn phân phối lớn như: Saigon co.op, BigC, Hapro đều đã ký hợp đồng.

Các công ty như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cam kết mua 10.000 tấn, bằng 1/10 sản lượng vải toàn tỉnh để chế biến xuất khẩu. Có thể khẳng định, Bắc Giang đã chuẩn bị tốt các điều kiện giúp nhà vườn tiêu thụ vải thiều.

Lãnh đạo Liên hiệp HTX Thương Mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co-op) cho biết, vụ vải thiều năm 2019, chúng tôi tiếp tục đưa vải thiều Lục Ngạn đến hệ thống gần 700 điểm bán của Saigon co-op với sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ.

Như vậy, tổng sản lượng 150.000 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang sẽ có 50%, sản lượng được xuất khẩu, các doanh nghiệp đăng ký tiêu thụ khoảng 30%, còn lại tiêu thụ ở các chợ đầu mối.

Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn tỉnh thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều và các sản phẩm nông sản để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng; bổ sung danh mục các mặt hàng nông sản, trái cây khác được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

 Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Bắc Giang về thông tin thị trường hàng nông sản và vải thiều, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các quốc gia trên thế giới.

Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại bảo quản, chế biến vải thiều, đảm bảo thời gian để xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng.

Tiếp tục tạo điều kiện rút ngắn tối đa về thủ tục hành chính, giúp vải thiều của Bắc Giang được nhập khẩu vào Trung Quốc với thời gian nhanh nhất, thuận lợi nhất. Tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản, trái cây khác của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối sớm kết nối, bàn bạc, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải thiều nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung với các doanh nghiệp. 

Theo Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn