Tự chế thuốc trị bệnh vàng lá, thối rễ cây tiêu

Tự chế thuốc trị bệnh vàng lá, thối rễ cây tiêu
Nhìn cảnh nhiều vườn tiêu chết vì bệnh vàng lá, thối rễ, một lão nông ở thị xã Đồng Xoài đã tự chế thuốc đặc trị bệnh này, mang lại niềm vui cho nhiều nông dân ở Bình Phước.

Ông Cao Văn Ruyến (64 tuổi) ở ấp 6, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài gắn bó với nghề "cứu tiêu" từ năm 2014. Đó là những năm ông còn làm cộng tác cho các công ty phân bón. Thấy cây tiêu thường bị bệnh thối rễ, rất khó điều trị, ông tìm tòi, nghiên cứu và chế ra một hợp chất với tên gọi XR 44.

09-31-55_tieu_2
Ông Ruyến (ngồi) kiểm tra vườn tiêu ở xã Đa Kia

Sau khi tạo ra chế phẩm XR44, ông Ruyến đã lên các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Nông, Đăk Lăk và các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập để cứu tiêu. Nơi đâu có bước chân ông Ruyến, những vườn tiêu ở đó đều được giải cứu khỏi bệnh vàng lá, thối rễ.

Ông Dương Văn Cù ở thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: “Vườn tiêu của tôi bị bệnh vàng lá. Tôi đã tìm nhiều phương pháp cứu chữa nhưng không được. May nhờ phương pháp tẩy trùng, cứu lá, nương rễ của ông Ruyến mà vườn tiêu xanh tốt trở lại”.

Sau khi cứu được vườn tiêu của ông Cù, Hợp tác xã nông nghiệp Đa Kia đã mời ông Ruyến lên chăm sóc, cứu chữa cho vườn tiêu bị bệnh của các hộ xã viên ở đây.

Chế phẩm XR44 của ông đã được gửi tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Bình Phước lần thứ 4, năm 2017. Ông Ruyến chia sẻ, tới đây ông sẽ lên Sở Khoa học - công nghệ Bình Phước để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho chế phẩm XR44 và tìm nhà đầu tư liên kết mở rộng sản xuất. Ông hy vọng XR44 sẽ giúp vườn tiêu của nhiều nhà nông thoát khỏi căn bệnh thối rễ, vàng lá.

Trước sự bất thuận của thời tiết và “đỏng đảnh” của cây tiêu, ông Ruyến dùng tro than củi, tro lá và một vài chất phụ gia trộn lại để bón cho tiêu. “Tro than chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, canxi, magie, lưu huỳnh, sắt… Nông dân có thể sử dụng tro than để thay thế một số loại phân hóa học mà vẫn bổ sung đầy đủ các vi chất cho cây trồng”, ông Ruyến phân tích.

09-31-55_tieu_2_2
Khoan lỗ rải tro chuẩn bị cứu tiêu

Để cứu các vườn ngập úng vào mùa mưa, ông Ruyến sẽ khoan 4 lỗ nhỏ (đường kính 15cm, sâu 80cm) xung quanh gốc tiêu. Tại mỗi hố đổ khoảng 2,5kg tro than đã được nghiền mịn. Sau đó dùng chế phẩm XR44 pha với 200 lít nước để phun vào thân tiêu nhằm vệ sinh, khử trùng cho cây. Trung bình mỗi gốc tiêu nhận 5 lít dung dịch XR44. Dung dịch này có tác dụng làm sạch, tăng sức đề kháng cho cây. Ba ngày sau, nông dân sẽ dùng hỗn hợp 2kg phân hữu cơ với 0,4kg NPK hòa tan trong nước để tưới cho tiêu.

Sau đó cần thường xuyên giữ ẩm cho cây để nhử cho rễ non phát triển. Không được bón bất cứ loại thuốc hoặc phân hóa học nào. Nếu có chất hóa học, những bộ rễ non sẽ bị cháy, cây tiêu sẽ chết. “Thông thường sau 30 ngày, rễ tiêu mói mọc trở lại và cứng cáp. Lúc đó, cây tiêu xem như được cứu hoàn toàn”, ông Ruyến chia sẻ.

09-31-55_tieu_4
Ông Nhẹ và xã viên vui mừng khi vườn tiêu được phục hồi

Theo: Kim Tiền/nongnghiep.vn