Tư duy sản xuất mới
- Thứ ba - 19/12/2017 09:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình VAC góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đi vào hoạt động từ tháng 5 năm nay, trang trại VAC của ông Nguyễn Văn Chiến, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, có tổng diện tích lên đến 4,3ha, kinh phí xây dựng trang trại lên đến hàng tỉ đồng. Hiện nay trang trại đã thả nuôi được hơn 600 con, bao gồm 180 con bò cao sản, 144 con trâu, gần 300 con dê. Dự kiến, trang trại này sẽ phát triển nuôi hơn 2.000 con trâu, bò, dê trong năm tới. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, đại diện trang trại cho biết: “Nhận thấy đồng bằng sông Cửu Long chưa có điểm cung ứng giống đại gia súc, chính vì thế trang trại được thành lập với mục tiêu là sản xuất ra con giống sạch bệnh cung ứng giống phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng. Do là trang trại sản xuất giống nên quy trình nuôi cũng được áp dụng theo công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, mỗi con vật nuôi đều được bấm số trên vành lỗ tai để theo dõi sự phát triển cũng như bệnh trong quá trình chăn nuôi. Ngoài ra, khu vực chăn nuôi cũng được phân chia rõ ràng với từng loại vật nuôi cụ thể nhằm tạo ra con giống chất lượng tốt”.
Với mục tiêu cung cấp giống nên trang trại khép kín hoàn toàn. Trước khi đi vào trang trại phải qua khu vực vệ sinh khử trùng để tránh mang dịch bệnh từ bên ngoài vào. Bên cạnh đó, còn trang bị máy móc hiện đại từ khâu xay xát đến chế biến thức ăn tại chỗ thay vì sử dụng thức ăn chế biến sẵn để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho đàn vật nuôi. Về vấn đề vệ sinh môi trường, đối với chất thải rắn của gia súc thải ra hàng ngày đều được thu gom lại theo đúng nơi quy định để ủ làm phân trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Riêng nước thải được đưa ra bể lắng lọc xử lý để nuôi cá nên đảm bảo được tiêu chí về môi trường. Ông Khiêm cho biết thêm: “Tiêu chí mà trang trại quan tâm hàng đầu là vấn đề về môi trường, bởi khi chất thải được xử lý triệt để, ngoài việc hạn chế mùi hôi ảnh hưởng người dân xung quanh, còn giúp cho đàn vật nuôi phát triển tốt, ít bệnh. Chính vì thế mà hàng ngày chuồng trại đều có nhân công dọn dẹp sạch sẽ, chất thải được thu gom và xử lý đúng nơi quy định”.
Hiện nay, ngoài trang trại VAC của ông Nguyễn Văn Chiến, huyện Phụng Hiệp còn có nhiều nông dân chấp nhận đầu tư để xây dựng mô hình khép kín, tạo ra nông sản sạch để đáp ứng cho thị trường. Như mô hình trồng dưa lưới nhà kính áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của nước ngoài của ông Võ Văn Chưng, ở xã Bình Thành là một điển hình. Hai năm trước, khi cây lúa không mang lại hiệu quả kinh tế, ông Võ Văn Chưng đầu tư hơn 600 triệu đồng vào thửa ruộng rộng 2.000m2 trồng dưa lưới trong nhà kính. Thời điểm đó nhiều người cho rằng ông “chơi ngông” khi bỏ một số tiền lớn làm một việc mạo hiểm. Bởi sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ đang trong giai đoạn khó khăn, nông sản làm ra luôn gặp tình cảnh trúng mùa rớt giá. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, ông vẫn mạnh dạn thực hiện dự định của mình. Tham khảo nhiều nơi khi xây dựng mô hình trồng dưa lưới nhà kính, ông quyết định lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel để quản lý chặt chẽ lượng nước tưới và cung cấp dinh dưỡng cho dây dưa lưới. Quy trình được lập trình sẵn với chu kỳ 10 lần/ngày và mỗi lần tưới là 2 phút. Mô hình đã góp phần tích cực trong tiết kiệm lượng nước so với cách tưới thông thường đến 80% lượng nước. Và nguồn nước tưới cho cây được lấy từ nhà máy cấp nước nên đảm bảo về chất lượng, từ đó góp phần tạo ra trái dưa sạch bệnh. Ông Chưng chia sẻ: “Mục tiêu sản xuất trái dưa lưới trong nhà kính là phải sạch nên mọi công đoạn từ gieo hạt, tưới nước, bón phân cho đến thu hoạch phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Có như vậy mới tạo ra được nông sản sạch đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng hiện nay”.
Thành công bước đầu, ông tiếp tục nhân rộng diện tích trồng dưa lưới lên 9.000m2 tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỉ đồng. Mỗi năm, ông Chưng canh tác được 4 vụ dưa lưới. Bình quân 5.000 dây dưa/2.000m2 đạt năng suất từ 5 tấn trái/vụ. Nhờ áp dụng kỹ thuật nghiêm ngặt trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên vườn dưa lưới của gia đình ông Chưng đều được các công ty hay các đầu mối lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ bao tiêu từ 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ giá thành sản xuất khoảng 12.000 đồng/dây dưa, mỗi năm ông thu về lợi nhuận gần 1,5 tỉ đồng.
Ông Chưng chia sẻ thêm: “Do dưa lưới được trồng trong nhà kính tách biệt với môi trường bên ngoài nên hạn chế được rất nhiều dịch hại, từ đó dây dưa không bị bệnh nên hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật. Trái dưa làm ra đạt tiêu chuẩn sạch bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng. Ban đầu gia đình chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 2.000m2 thì nay đã mở rộng lên diện tích gấp 4 lần mới có đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường”.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Thời gian qua, huyện luôn quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh việc tập huấn nâng cao tay nghề canh tác cho nông dân, ngành còn đẩy mạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân hay người dân trong huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra nông sản chất lượng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Tính đến nay, huyện đã có 2 mô hình nổi bật trong sản xuất và chăn nuôi với quy mô lớn, sản xuất theo công nghệ hiện đại, khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra. Qua đó, bước đầu cho thấy nông dân trong huyện đã bắt đầu thay đổi được tư duy trong sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản để đáp ứng cho thị trường”.
Cũng theo ông Tự, tới đây huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các cá nhân tiếp tục đầu tư xây dựng những mô hình sản xuất mới. Với chức năng và quyền hạn của ngành sẽ tham mưu với huyện và ngành nông nghiệp tỉnh tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức có nhu cầu khi đầu tư trên địa bàn huyện. Bởi khi huyện có càng nhiều mô hình sản xuất mới, không chỉ đem lại công ăn việc làm cho người dân trong huyện, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Bài, ảnh: THANH DUY/baohaugiang.vn