Tuân “Nùng” giúp cả thôn làm giàu từ chăn nuôi gà thả đồi
- Thứ tư - 04/04/2018 20:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làm gì cũng phải học
Ngay từ lần đầu gặp, Tuân đã gây ấn tượng với tôi bởi tính cách hoạt bát và năng nổ. Khi nói chuyện, lại càng bất ngờ hơn với những dự định táo bạo của chàng trai người Nùng.
Ở khắp thôn Nà Đấu, xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì (Bắc Kạn) người ta biết Tuân vì 2 nhẽ: Thứ nhất, Tuân không sinh nhiều con, mới 1 đứa đã “tạm dừng” để nuôi dạy tốt và hai vợ chồng có thời gian tập trung phát triển kinh tế. Thứ hai là “phải học rồi mới làm”. Bản thân Tuân đã từng theo học cao đẳng kinh tế chuyên ngành kế toán, “Sau tốt nghiệp cũng cố trụ ở thành phố xin việc, nhưng phần vì lương thấp, phần vì tiếc đồng đất ở quê nên quyết định về làm kinh tế” - Tuân tâm sự.
Đàn gà trong trang trại nhà Tuân. Ảnh: T.L
"Mang tiếng làm ra tiền tỷ nhưng Tuân bảo “chả mấy khi có tiền”, vì làm đến đâu lại đầu tư cho bao dự định mới. Chưa kể việc góp công góp của cho các hoạt động vì lợi ích cộng đồng như làm đường, hay tài trợ cho đội bóng chuyền xã… “Một mình mình giàu thì sao có động lực để phát triển, làm thế nào để có thêm nhiều người giàu trong thôn, trong xã. Rồi nâng cao chất lượng sống cho chính mình, cho bà con nữa. Làm kinh tế, đích cuối cùng cũng là để nâng cao chất lượng cuộc sống” - Tuân khẳng định. |
Đúng là có học có khác, Tuân “khôn” lắm. Cái khôn ấy thể hiện ngay trong cách anh làm kinh tế. Năm 35 tuổi, nhưng Tuân nắm trong tay khối tài sản mà nhiều người “mơ chẳng thấy”: 2 xe tải loại 8 và 5 tấn chuyên vận chuyển gỗ và nông sản, 13ha rừng trồng đang tuổi thu hoạch, chưa kể mô hình chăn nuôi mà Tuân tự nhận định là “nhỏ lẻ, chỉ đủ cung cấp nhu cầu gia đình và bà con”. Với 2 xe tải, Tuân đều đặn vận hành 10 chuyến/tháng, thu mua gỗ và nông sản của bà con trong vùng chở về xuôi tiêu thụ, không để xe chạy thùng trống đi về, Tuân tận dụng mua thêm vật tư nông nghiệp, các loại phân bón để phục vụ bà con.
Điều đáng nói là vật tư Tuân cung cấp có giá “mềm” hơn nơi khác nên chẳng bao giờ lo thừa, “bởi vì cùng một chuyến xe mình tiết kiệm được chi phí nên giá đến tay bà con cũng rẻ hơn nơi khác” - Tuân phân tích. Với 13ha rừng, Tuân thu tỉa rồi trồng bổ sung ngay diện tích mới, nhờ thế mà không bị ngắt quãng thời gian thu hoạch. Diện tích rừng Tuân nhận khoán cũng chẳng giống ai, cứ chỗ nào sâu nhất, khó nhất Tuân nhận, sau đó tự bỏ tiền túi mở con đường vào tận cửa rừng để thuận tiện vận chuyển gỗ. Cách làm của Tuân, nếu chỉ quen nhìn cái lợi trước mắt đúng là khó lòng thực hiện được, nhưng nhờ được học hành, nhờ sự nhanh nhạy mà đi trước “thiên hạ” một bước.
Cứ tưởng với cơ ngơi mang lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, Tuân sẽ hài lòng mà tiếp tục mở rộng trang trại hoặc mở rộng kinh doanh. Nhưng không, trước khi chia tay Tuân đã từng nói: “Tôi dự định sẽ tập hợp những anh em trẻ cùng chí hướng để thành lập tổ HTX trong tương lai, chuyên về nông nghiệp”. Những tưởng “lời nói gió bay”, thế mà chỉ sau hơn 1 năm, HTX của Tuân đã được thành lập, bước đầu đặt nền móng cho những dự định táo bạo và lớn lao hơn…
Gian nan đường khởi nghiệp
Tuân bên con đường 3km dẫn vào trang trại do anh tự bỏ tiền túi ra xây dựng. Ảnh: T.L
Khi có ý tưởng và quyết tâm thực hiện dự định, Tuân làm cơm mời 20 hộ dân tham dự và bàn chuyện thành lập HTX cùng mình. Tuân cho biết: “Chỉ duy nhất 1 hộ đồng ý tham gia, nhưng đó cũng là con số tuyệt vời với tôi lúc đó Ít nhất mình có cơ hội và hiểu rằng mình không đơn độc”.
Sau bao lần vất vả đi lại, thuyết phục, cuối cùng cũng có 8 hộ đồng thuận theo Tuân vào HTX. Tháng 9.2016, HTX Trần Phú được thành lập và Tuân giữ chức danh Giám đốc. Thuyết phục được rồi, nhưng nuôi trồng như thế nào để các hộ cùng đồng lòng làm theo lại là câu hỏi khó không dễ để trả lời. Lần này, thay vì thuyết phục, Tuân làm trước.
Chọn nuôi gà thả đồi, có bao vốn liếng tích cóp được từ bao năm kinh doanh, Tuân đổ cả vào đầu tư chuồng trại. Nhưng khi tất cả đã hoàn thiện, chính quyền địa phương yêu cầu HTX Trần Phú không được phép hoạt động vì “ảnh hưởng môi trường”. Vậy là mất trắng hơn 200 triệu đồng. “Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”, chưa bắt tay thả con giống đã gặp trục trặc, rồi hoài nghi từ các thành viên trong HTX, Tuân như ngồi trên đống lửa.
Thế rồi, sau nhiều lần khảo sát địa điểm, Tuân quyết định chọn thuê đất ở thôn Khuổi A. Khu đất khá rộng, lại là triền đồi nên bằng phẳng nhưng lại không đường, không điện và không nước. Quyết tâm khởi nghiệp đã thôi thúc Giám đốc HTX Trần Phú bỏ ra hơn 100 triệu mở đường, đồng thời đưa điện, dẫn nước về, biến vạt đồi hoang thành khu sản xuất đảm bảo đầy đủ các điều kiện chăn nuôi, trồng trọt quy mô công nghiệp… “Tổng hành dinh” của HTX đã dần hình thành.
Giữ nguyên quan điểm “làm gì cũng phải học”, trước khi nhập giống gà, Tuân mạnh dạn viết thư tham gia chương trình Khởi nghiệp của VTC16 với mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ. Thật may mắn, chương trình Khởi nghiệp đã lựa chọn khảo sát và gia đình anh trở thành nông hộ nhận được sự trợ giúp. Các chuyên gia của chương trình đã tìm đến tận nơi khảo sát, tính toán và tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình chăn nuôi gà.
Ban đầu HTX Trần Phú nhập về 2.000 con gà Lạc Thủy, chăm sóc đúng kỹ thuật dưới sự giám sát, hỗ trợ của các chuyên gia nên lứa gà phát triển rất tốt, đem về khoản lãi ban đầu gần 100 triệu đồng. Thấy giám đốc lựa chọn đúng, các thành viên khác cũng làm theo. Đến nay, HTX Trần Phú đang chăn thả 7.000 con gà Lạc Thủy, chưa kể gà lai Ri và ngan cùng hơn 200 cây chanh đào… Tuân phân tích: “Nếu nuôi lợn phải chịu sự chi phối của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, nhưng riêng gà, tôi thấy chưa có bao giờ thừa hay ế cả. Bởi nhu cầu trong nước luôn ổn định. Huyện Na Rì có nhiều tiềm năng nhưng chưa hề có thương hiệu nông sản nào đáng chú ý. Tại sao không nghĩ đến việc sẽ xây dựng một thương hiệu gà riêng của huyện Na Rì nhỉ?”.
Theo: Tố Loan/danviet.vn