Tuổi trẻ Xuân Lộc chung tay xây dựng nông thôn mới

Tuổi trẻ Xuân Lộc chung tay xây dựng nông thôn mới
Các mô hình phát triển kinh tế trong tuổi trẻ Xuân Lộc không những nâng cao đời sống đoàn viên thanh niên mà còn góp phần tích cực thay đổi diện mạo các vùng quê nông thôn mới (NTM).

​Hiệu quả từ những mô hình mới

Có thể nói, Xuân Lộc là nơi hình thành nhiều mô hình tổ hợp tác, câu lạc bộ (CLB) năng suất cao, liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao của tỉnh. Lực lượng thanh niên năng động, xung kích đã tham gia tích cực vào việc hình thành, phát triển những mô hình làm ăn mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Men theo các con đường nhỏ trong Nông trường Thọ Vực, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc là những vườn cây ăn trái tươi tốt thay cho vùng nguyên liệu mía hiệu quả kinh tế thấp trước đây. Tại đây, có rất nhiều vườn cây do tổ hợp tác thanh niên sản xuất, trong đó có mô hình sản xuất chanh dây xuất khẩu. Dự án có sự tham gia của đoàn viên Tỉnh đoàn, Huyện đoàn, Hội Doanh nhân trẻ và CLB thanh niên sản xuất giỏi huyện. Được triển khai từ đầu năm 2014, đến nay diện tích trồng chanh dây đã lên đến 7 ha và cho thu hoạch 2 tháng một lần. Trong 5 tháng, mô hình đã cho thu hoạch 30 tấn đạt tổng doanh thu khoảng 240 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 140 triệu đồng. Hiện chanh dây được bán tươi và lấy dịch cho các công ty thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, mô hình cũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.
 

hinh3_25032015.JPG

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh (bìa phải) thăm mô hình trồng bắp

Nói về hiệu quả của mô hình, anh Nguyễn Anh Khoa, thành viên dự án cho hay: “Cây chanh dây đã cho năng suất ổn định, trái cây vẫn giữ được hương vị đặc trưng như trồng ở các vùng xứ lạnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt dự án đã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, có sự liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mô hình cũng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại”.
Nhiều năm qua, người dân xã Xuân Thọ đã dần quen với hình ảnh áo xanh ngày đêm gắn bó với cánh đồng bắp. Cây bắp của Đoàn xã là mô hình thu được hiệu quả kinh tế bằng sự chung sức và quyết tâm của đoàn viên thanh niên. Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, đoàn viên đã đóng góp tiền khoan giếng, kéo điện để trồng 5 ha bắp. Với sự nỗ lực của 16 đoàn viên, từ số vốn đầu hơn 90 triệu đồng đến cuối vụ đã thu hoạch được 38 tấn với doanh thu 190 triệu đồng.
Cũng tại Xuân Thọ, HTX sản xuất thương mại dịch vụ thanh niên đã bước đầu gặt hái kết quả. Hiện HTX có 12 thành viên, trong đó có 4 cán bộ Đoàn, tổ chức chăn nuôi và cung cấp bò giống, bò thịt, dê, cỏ, bắp, đậu và thu mua sản phẩm của các thành viên HTX nhằm tạo đầu ra ổn định. Với tổng số vốn điều lệ ban đầu hơn 400 triệu đồng, HTX đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi 12 con bò, trồng 2 ha cỏ và 10 ha bắp vụ đông xuân. 
Cổ vũ thanh niên lập nghiệp
Theo Phó bí thư Huyện đoàn Tạ Khánh Sơn, từ phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới” đã xuất hiện nhiều điển hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, là động lực cổ vũ cho phong trào lập nghiệp ở địa phương.
Bằng sự năng động và sáng tạo, anh Trần Mạnh Sơn, Bí thư chi Đoàn ấp Phượng Vĩ, xã Suối Cao đã biến vùng đất sỏi bạc màu thành vườn gấc dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. Qua vài lần tham quan mô hình trồng gấc tại Củ Chi, anh đã mạnh dạn đầu tư 170 triệu đồng cho 2 ha gấc lai thử nghiệm. Sau 8 tháng trồng, vườn cho thu hoạch với năng suất 40 tấn/ha thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha. Để tạo đầu ra ổn định, anh đã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, xây dựng lò sấy và lắp tủ đông để thu mua sản phẩm cho các hộ trong tổ hợp tác. Mô hình này đã được UBND huyện chỉ đạo nhân rộng toàn huyện, đặc biệt là các xã có diện tích đất cát pha thích hợp với cây gấc.
Tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, anh Văn Thành Toàn quyết định về quê lập nghiệp và thành công với mô hình trồng ổi lê Đài Loan xen mít nghệ tại xã Xuân Bắc. Gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu làm kinh tế nông nghiệp nhưng với sự quyết tâm và năng động, mô hình của anh cho hiệu quả kinh tế ngày càng cao. “Cây ổi có thời gian sinh trưởng từ khi bấm ngọn đến thu hoạch là 6 tháng trong khi mít từ 2 - 3 năm nên tôi dùng chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Hiện cây ổi cho năng suất 35 tấn/ha/năm trừ chi phí thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm; cây mít cho năng suất 20 tấn/ha/năm cho lãi trên 60 triệu đồng/ha/năm”, anh Toàn cho hay. Bên cạnh đó, anh còn thử nghiệm trồng một số giống hoa tại vườn như cúc mặt trời, thủy tiên…Hiện tại mô hình này đã được nhân rộng lên 20 ha nhờ sự tận tình hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của anh tới đoàn viên thanh niên và các hộ nông dân trên địa bàn.
Với sự năng động, sáng tạo, nhiều đoàn viên thanh niên tại huyện Xuân Lộc đã làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, góp sức cùng địa phương xây dựng huyện NTM ngày càng giàu đẹp. 
 

Theo Huyện đoàn Xuân Lộc, trên địa bàn huyện hiện có 1 HTX, 7 tổ hợp tác thanh niên, 11 câu lạc bộ thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên tham gia. Những mô hình mới này đã mở ra những hướng đi mới, giúp thanh niên vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 

Uyên Phương
Theo dongnai.gov.vn