Tuyên Quang: Hiệu quả nuôi gà an toàn sinh học

Tuyên Quang: Hiệu quả nuôi gà an toàn sinh học
Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) ngày càng thu hút được các hộ tham gia khi nuôi lợn gặp khó khăn...
Chăn nuôi gà an toàn sinh học đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

HTX Chăn nuôi gia cầm xã Hợp Thành triển khai mô hình vào tháng 7/2018, với 25 thành viên. Thành viên tham gia đều là các hộ chăn nuôi gà tiêu biểu của xã. Giống gà được lựa chọn là gà ri lai Hòa Phát 102.

Sau 1 năm triển khai đến nay, HTX đã thực hiện được 2 lứa theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Lứa 1 chăn nuôi tổng số 34.700 con gà, thu lãi bình quân 29 triệu đồng/thành viên; lứa 2 chăn nuôi được 51.600 con, thu lãi bình quân trên 55 triệu đồng/thành viên.

Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc HTX Chăn nuôi gia cầm xã Hợp Thành cho biết, mô hình đã đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, vì vậy số vốn góp quỹ chung của các thành viên HTX từ hơn 88 triệu đồng khi mới thành lập, đến nay tăng lên 1,5 tỷ đồng.

Hiện tại, HTX có nhiều hộ chăn nuôi từ 3.000 - 4.000 con gà/lứa. Trong quá trình nuôi, chuồng trại luôn được các hộ vệ sinh thường xuyên bằng các chế phẩm sinh học an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe của đàn gà và an toàn với môi trường nuôi, hạn chế mầm bệnh. Toàn bộ lượng thức ăn hàng ngày cho gà đều đảm bảo chất lượng và đúng hàm lượng quy chuẩn. Nguồn nước được sử dụng luôn là nước sạch…

Để mô hình đạt hiệu quả cao, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học cho 25 người tham dự. Từ quy chuẩn vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng đến nguồn thức ăn, nguồn nước, tiêm phòng... đều được cán bộ tập huấn bài bản.

Anh Lương Hồng Vinh, thôn Rộc, thành viên HTX chia sẻ, gia đình anh thực hiện mô hình chăn nuôi 1.000 con gà ri lai Hòa Phát 102 do Công ty cổ phần Phát triển nông thôn Hòa Phát (Hà Nội) nhân giống. Giống gà này có ưu điểm nổi trội như: Màu lông đẹp, có khả năng sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn, thích hợp với chăn nuôi tập trung, thịt thơm ngon.

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình anh Vinh đặc biệt chú ý đến cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn sinh học và một số bệnh thường gặp ở gà như tụ huyết trùng, cúm, đi ngoài.

Sau 3 tháng chăn nuôi, từ tháng 10 - 12/2018, đàn gà có tỷ lệ sống đến 99%, khả năng tăng trọng bình quân 2,2 kg/con. Gà không xảy ra dịch bệnh. Đến nay đàn gà của anh đã được xuất lứa đầu, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với chăn nuôi không áp dụng quy trình an toàn sinh học. 

Huyện Sơn Dương có 1.227.350 con gà, chiếm 87,6%, tổng đàn gia cầm toàn huyện. Việc phát triển mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học đã tạo ra những lứa gà đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Mở ra xu hướng chăn nuôi mới, ít dịch bệnh đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, chăn nuôi gà an toàn sinh học nhằm củng cố và bảo vệ môi trường, do đó công tác tiêu độc vệ sinh sát trùng phải thực hiện thường xuyên.

Trong năm 2019, Chi cục sẽ tiếp tục xin kinh phí nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh để các hộ chăn nuôi có điều kiện tiếp cận, học tập kinh nghiệm và kỹ thuật mới để đưa vào sản xuất ở các địa phương; thay đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi hàng hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.


Theo: Đào Thanh - Văn Toán/nongnghiep.vn