Tuyên Quang: Khuyến khích mỗi xã, phường xây dựng một sản phẩm
- Thứ hai - 08/05/2017 04:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, thành phố đã bước đầu định hướng được một số sản phẩm sau: Mật ong An Khang, gạo thơm Hưng Thành, bưởi ngon Thái Long, gà Tân Tạo, cá lồng đặc sản Tràng Đà... Sau khi các sản phẩm này được người dân thảo luận nhất trí, các xã, phường xây dựng kế hoạch và xác định quy mô sản xuất, thành phố sẽ có những chính sách cụ thể để quy hoạch làng nghề và hỗ trợ phát triển.
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, xã Thái Long (TP Tuyên Quang).
Với lợi thế có nhiều loại cây ăn quả tại địa phương, nhiều gia đình xã An Khang đã nuôi ong mật từ rất sớm. Trước đây, nuôi ong với bà con chủ yếu là để lấy mật sử dụng trong gia đình, số lượng bán ra thị trường rất ít. Sau này, nắm bắt nhu cầu của thị trường về mật ong khá lớn, nhiều hộ mới nhân đàn, bắt đầu coi mật ong trở thành sản phẩm hàng hóa.
Ông Lý Quang Minh, thôn An Lộc A là cựu chiến binh chống Mỹ, sau khi xuất ngũ về địa phương, để phát triển kinh tế gia đình, ông đã bắt đầu nuôi ong. Thế nhưng phải đến gần 10 năm trở lại đây ông mới nuôi nhiều để cung cấp mật ra thị trường. Năm 2012, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông được vay 15 triệu đồng để phát triển đàn ong. Khi đó ông đã có 50 đàn. Đến nay, ông đã nhân lên 100 đàn với không gian nuôi là toàn bộ khu vườn trước nhà rộng khoảng 6 sào.
Ông Minh cho biết, nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình hầu như là từ ong, rồi việc xây nhà, nuôi con ăn học cũng là từ ong. Bởi với 100 đàn ong duy trì mỗi mùa, ông thu về khoảng 2.000 lít mật/năm. Trong đó, mùa hoa nhãn là mật ong chất lượng nhất, ông bán tại nhà từ 180.000 - 200.000 đồng/1 lít, còn lại các mùa khác giá bán dao động cũng từ 120.000 - 150.000 đồng/1 lít. Ông kể, ở đây, nhiều nhà nuôi ong cứ hết vụ hoa quả lại di chuyển đàn ong đi lấy mật ở vùng khác nhưng ông sức yếu nên hết vụ mật ông chỉ tập trung chăm sóc ong, tầm tháng 9, tháng 10 thì chia đàn, bán giống cho bà con có nhu cầu, mỗi năm bán từ 50 - 80 đàn ong.
Anh Trần Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết, nuôi ong mật ở An Khang giờ được coi là một nghề của bà con trong xã. Từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ 29 hộ nuôi ong, tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Điều đáng mừng nhất trong phát triển nuôi ong ở An Khang là xã đã thành lập được Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ từ tháng 5-2013, gồm 25 thành viên với 4.000 đàn ong. Hợp tác xã đã trở thành đầu mối hỗ trợ khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Cuối năm 2013, nhãn hiệu “Mật ong Phong Thổ” của HTX đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận là sản phẩm đạt chất lượng.
Từ phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây bưởi đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở Thái Long 6 năm trở lại đây. Qua đánh giá, giá trị cây bưởi đem lại gấp khá nhiều lần so với trồng một số cây màu ngắn ngày. Do đó, xã đã thực hiện việc quy hoạch vùng trồng bưởi, áp dụng khoa học kỹ thuật để cây bưởi phát huy hiệu quả kinh tế. Theo đồng chí Vũ Đức Long, Bí thư Đảng ủy xã Thái Long, xã đã thành lập được Hợp tác xã trồng cây ăn quả Quang Vinh.
Hợp tác xã đã phối hợp tổ chức các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây cho thành viên, đặc biệt là áp dụng quy trình sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại mỗi thôn, Hợp tác xã lựa chọn những thành viên cốt cán, có nhiều kinh nghiệm trong trồng cây ăn quả làm hạt nhân tuyên truyền, là đầu mối hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho các thành viên. Hiện nay, số thành viên đã lên 20 hộ, tổng diện tích cây ăn quả phát triển được là gần 30 ha, chủ yếu là bưởi.
Việc khuyến khích mỗi địa phương xây dựng một sản phẩm thế mạnh đang là hướng đi mà thành phố đang hướng tới. Từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.