Tuyên Quang: Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch

Tuyên Quang: Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, bộ mặt nông nghiệp ở địa phương có nhiều đổi mới.

Đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại VietGAP, sản phẩm nông nghiệp sạch khẳng định được vị thế trên thị trường.

09-57-29_1
Đến nay tỉnh Tuyên Quang có hơn 300 ha cam VietGAP.

Trang trại lợn VietGAHP của gia đình ông Nguyễn Văn Sung, thôn Rộc, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương là 1 trong 9 trang trại được tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ gần 100 triệu đồng đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND, ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh.

Ông Sung cho biết, ngoài được hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, hằng năm, trang trại được ưu tiên tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ năng sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh do các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức.

Nhờ tuân thủ tốt quy trình VietGAHP, trang trại lợn của gia đình ông luôn có đầu ra ổn định. Đặc biệt giai đoạn dịch bệnh, trang trại của ông luôn được ưu tiên tiêu thụ bởi đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, trung bình mỗi năm trang trại lợn của ông Sung cung cấp ra thị trường gần 400 tấn lợn thịt và khoảng 10.000 con lợn giống.

Đến giữa năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ 897 triệu đồng cho 9 trang trại sản xuất theo chuẩn VietGAP; hỗ trợ 100 triệu đồng cho 1 trang trại đăng ký nhãn hiệu sản phẩm theo Nghị quyết 10.

Cùng với Nghị quyết 10, từ năm 2014 tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND, ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Nhờ chính sách này, diện tích vùng cam của toàn tỉnh đã tăng từ hơn 4.000 ha (năm 2014) đến nay gần 8.000 ha, trong đó có hơn 300 ha cam VietGAP. Sản lượng cá đặc sản đạt trên 480 tấn/năm, tăng 380 tấn so năm 2014, toàn tỉnh đã có 42 sản phẩm cá đặc sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa.

Gia đình anh Nông Văn Nghiệp, thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên có 6 ha cam VietGAP được hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Theo nghị quyết này, gia đình anh được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Cây cam phù hợp với chất đất, lại được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cho năng suất cao và chất lượng tốt. So với các loại cây trồng khác, giá bán cam luôn duy trì ổn định đã đem lại thu nhập cao. Vụ cam năm nay, dự kiến cho gia đình anh thu trên 100 tấn quả các loại, trừ chi phí anh thu lãi gần 500 triệu đồng.

09-57-29_2
Mô hình nuôi cá lồng theo chuẩn VietGAP trên vùng hồ sinh thái Na Hang.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 51 HTX tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; 2 HTX được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 9 HTX được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản của tỉnh đạt 3.722,8 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những bước tiến đáng kể trong hành trình phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Dù nông nghiệp tốt (GAP) ở Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế ở hầu hết các cơ sở, mô hình còn mang tính tự phát, dựa vào kinh nghiệm là chính; thông tin, hiểu biết về thị trường còn hạn chế, sản phẩm đưa ra thị trường khó cạnh tranh nên hoạt động của nhiều trang trại thiếu tính ổn định và bền vững, hiệu quả chưa cao.
Theo Đào Thanh - Văn Toán/nongnghiep.vn