Tuyên truyền công tác khuyến nông: Bám sát định hướng trọng điểm

Đào tạo huấn luyện và tuyên truyền là một nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng khuyến nông. Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia liên tục đổi mới nội dung đào tạo, tập huấn, tuyên truyền để giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh, năm 2017, công tác tuyên truyền, đào tạo phải bám sát những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành nông nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam tập huấn đào tạo giảng viên cấp tỉnh về phương pháp, kỹ năng tập huấn khuyến nông.

Đào tạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Năm 2016, hoạt động đào tạo huấn luyện tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp tập huấn theo hướng đi sâu vào chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh hình thức đào tạo, tập huấn truyền thống, các hình thức tiên tiến từng bước được áp dụng như đào tạo từ xa thông qua truyền hình, internet.

Nội dung các khóa tập huấn tập trung vào các chủ đề phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới, trang bị các kiến thức cần thiết về chính sách, tổ chức quản lý sản xuất, thị trường, hội nhập quốc tế,… cho cán bộ khuyến nông và nông dân.

Đặc biệt, đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một cách tập trung, trọng tâm, trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ, tránh dồn vào cuối năm như trước đây.

Tổ chức được 14 lớp đào tạo giảng viên khuyến nông cấp quốc gia cho 567 cán bộ khuyến nông cấp tỉnh. Thông qua các khóa đào tạo giảng viên khuyến nông cấp quốc gia sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt, có phương pháp và kỹ năng tập huấn để tham gia thực hiện đào tạo cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cấp tỉnh và cấp huyện tại địa phương. Mục tiêu phấn đấu mỗi tỉnh có từ 10 - 12 giảng viên cấp quốc gia.

Bên cạnh việc đào tạo giảng viên quốc gia, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng chú trọng việc đào tạo tiểu giáo viên (TOT) cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Nhiệm vụ này do hệ thống khuyến nông tỉnh thực hiện, tập trung vào nghiệp vụ khuyến nông, kỹ năng khuyến nông và nội dung về tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2016, đã tổ chức được 331 lớp TOT cấp tỉnh, huyện và cơ sở với 9.000 lượt học viên.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức được 55 lớp tập huấn cho cộng tác viên khuyến nông. Xây dựng 7 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, 6 poster kỹ thuật, 2 đĩa hình kỹ thuật khuyến nông. Tổ chức 5 đoàn khảo sát học tập trong nước, 2 đoàn khảo sát học tập nước ngoài và 1 lớp tập huấn ASEAN về sản xuất cà phê bền vững...

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, công tác đào tạo, huấn luyện khuyến nông năm 2016 luôn được đổi mới sao cho phù hợp với từng đối tượng tiếp cận. Đào tạo tập huấn trong khuyến nông được sử dụng nhiều phương pháp, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường giảng thực hành trên đồng ruộng, mỗi lớp học khuyến nông có từ 1 -2 ngày thực hành. Áp dụng phương pháp dạy học lấy học viên làm trung tâm, phương pháp lớp học hiện trường (FFS), kết hợp với định hướng và nhu cầu đào tạo để xây dựng chương trình, bài giảng áp dụng phương pháp giảng 2 chiều ngay trên lớp học.

Đổi mới hoạt động tuyên truyền

Quán triệt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, năm 2016, hoạt động thông tin tuyên truyền tiếp tục được đổi mới và bám sát các định hướng của Bộ, ngành như: Sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng trừ dịch bệnh phát sinh; biến đổi khí hậu…, đặc biệt là tập trung vào các vấn đề mới phát sinh trong quá trình sản xuất như vụ xuân ấm, xâm nhập mặn, hạn hán, dịch bệnh, quản lý chất cấm chăn nuôi, thủy sản...

Cụ thể, tổ chức 2 hội thi giảng viên khuyến nông giỏi và tuyên truyền viên giỏi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, 19 tỉnh, thành phố tham dự, thu hút 1.037 đại biểu và 228 cán bộ khuyến nông tham dự. Tổ chức 8 hội chợ nông nghiệp vùng với tổng số 2.515 gian hàng (trong đó có 607 gian hàng nông nghiệp), thu hút 504.000 lượt người tham quan, mua sắm. Tổ chức 21 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp thu hút 6.042 lượt đại biểu tham dự (trong đó có 4.670 nông dân), đã tư vấn, giải đáp 778 câu hỏi tại diễn đàn. Thông qua các diễn đàn, nhiều giải pháp, tiến bộ kỹ thuật được khuyến cáo, đưa ra phù hợp với từng vùng, miền cụ thể, từ đó những vướng mắc, khó khăn của các địa phương cũng được tháo gỡ, giải quyết kịp thời, từ đó giảm được thiệt hại, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Về tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã xây dựng 219 chương trình phát trên đài truyền hình; 737 chương trình phát trên đài phát thanh; 8.800 tin, bài, ảnh tuyên truyền trên báo viết và 1.363 tin, bài, ảnh tuyên truyền trên báo điện tử. Trang web Khuyến nông Việt Nam đã đăng tải 3.400 tin, bài, ảnh và 32 chuyên mục; thư viện điện tử cập nhật được 216 đầu sách và 20 ấn phẩm các loại. Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam biên tập, xuất bản được 16 số, phát hành 7.000 bản/số trên khắp cả nước. Biên tập, in và phát hành 12 ấn phẩm với số lượng 145.600 bản, chủ yếu dưới hình thức tờ gấp, tờ poster để bà con dễ tiếp cận; in sao 35 đầu đĩa hình với số lượng 3.000 đĩa; biên dịch 15 đĩa hình sang tiếng dân tộc Thái, Mông để phục vụ bà con dân tộc thiểu số; tiếp tục chương trình xây dựng tủ sách khuyến nông tại các xã nông thôn mới.

Bám sát nhiệm vụ ngành nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng năm 2017, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia TS.Trần Văn Khởi nhấn mạnh, công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa ngành Khuyến nông và các cơ quan báo chí trong năm 2017 cần bám sát những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành nông nghiệp. Theo đó, năm 2017 sản xuất nông nghiệp được dự báo tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Trong năm, ngành Nông nghiệp cũng tiến hành tái cơ cấu toàn diện nhiều lĩnh vực quan trọng. Do đó, để bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, hoạt động thông tin, tuyên truyền phải bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nâng cao giá trị gia tăng. Tiếp đến, đẩy mạnh phát triển cây, con chủ lực, tận dụng lợi thế vùng miền, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Một nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt nữa là tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ thuật, kinh tế, xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin thị trường, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyên sâu, toàn diện hơn nữa. Đặc biệt, giữa Khuyến nông Quốc gia và các cơ quan báo chí cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi, đóng góp ý kiến, thông tin đa chiều các vấn đề trong ngành nông nghiệp, nhằm cung cấp cho dư luận những thông tin, góc nhìn khách quan, đa chiều theo hướng có lợi cho quốc gia và nhân dân... Trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức các sự kiện khuyến nông như: Hội chợ, hội thi, diễn đàn với kinh phí cho hoạt động thông tin, tuyên truyền là 24,882 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có 30 sự kiện khuyến nông với các chủ để thiết thực từ thực tiễn sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất cây - con chủ lực; tôn vinh và động viên nông dân, cán bộ khuyến nông giỏi trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng miền.

Tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng các sự kiện, ấn phẩm khuyến nông, đổi mới hình thức, nội dung Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam, nâng cấp trang web khuyến nông để nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền hơn nữa.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông, tài liệu khuyến nông, các đoàn khảo sát học tập trong và ngoài nước, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Đề án tái cơ cấu ngành và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, sẽ tổ chức 16 lớp đào tạo giảng viên quốc gia cho 480 lượt người; đào tạo TOT cho khoảng 18.860 lượt cán bộ khuyến nông và khuyến nông viên cấp xã, cộng tác viên. Tập huấn cho 1.050 cán bộ hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới về quản lý, kỹ thuật và tập huấn về sản xuất nhãn, vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu bởi các thị trường khó tính.

 

Tác giả bài viết: Khánh Nguyên/Kinhtenongthon.vn