Tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ hàng đầu

Tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ hàng đầu
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, do đó các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum xác định để triển khai thực hiện thành công Chương trình này thì cán bộ, đảng viên và nhân dân phải hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động. Từ đó, trong 5 năm qua công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp, địa phương, đặc biệt là ở cơ sở xem là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Pano tuyên truyền tại các tuyến đường giao thông nông thôn

Nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể được các cấp, các ngành của tỉnh triển khai thực hiện như: Lập chuyên mục xây dựng nông thôn mới trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh để kịp thời đăng tải các văn bản mới liên quan tới Chương trình; đưa các bản tin, thông tin về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã các địa phương, cán bộ, nhân dân kịp thời nắm bắt; xây dựng chuyên mục xây dựng nông thôn mới phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài Phát thanh - Truyển hình tỉnh; ban hành các loại tờ gấp, tờ rơi với các nội dung tuyên truyền về nông thôn mới phát tới tận khu dân cư người dân; Các đơn vị, đoàn thể các cấp theo chức năng nhiệm vụ được phân công đều xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ năm 2011, hưởng ứng thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đã phát động các phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát động hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới; Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động phong trào “5 không 3 sạch’’...
 
Qua công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh cơ bản đã có sự chuyển biến rõ nét, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã nhận thức được mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; nhận thức của người dân về chương trình nông thôn mới đã có sự thay đổi, hầu hết đã nhận thức được rằng chương trình nông thôn mới là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với nông dân, cơ bản người dân đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, nhờ đó xây dựng nông thôn mới đã thật sự trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được người dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; các cấp, các ngành đã coi xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị và cả hệ thống chính trị ở cơ sở đã vào cuộc.
 
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền tuy sớm được triển khai nhưng chưa thực sự có chiều sâu và điểm nhấn. Nội dung tuyên truyền còn dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, các thông tin khác vẫn còn mang tính một chiều, chưa đáp ứng được các nhu cầu bức xúc của nhân dân. Thông tin tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều, chưa được liên tục. Một số chính sách của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa được cụ thể hóa nên khi vận động nhân dân còn gặp trở ngại nhất là vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân làm Nhà nước hỗ trợ”, phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, việc vận động thay đổi các tập quán, lối sống, sản xuất lạc hậu của một số vùng cũng còn rất chậm.
 
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh xác định sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, trong đó tập trung tuyên truyền các chủ đề trọng tâm như huy động các nguồn lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn nhất là vùng khó khăn để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và những phần việc cơ sở, người dân phải thực hiện.
 
Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực các cấp, chủ yếu là ở cấp xã để cán bộ nhận thức cơ bản, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Từ đó có thể thực hiện nhanh chóng và bền vững các tiêu chí nông thôn mới theo quy định. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, ngoài tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình, báo chí; các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần tăng cường tổ chức tuyên truyền trong toàn thể hội viên và thông qua hội viên tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng Nhân dân.
 
Cuối cùng là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo nhân rộng. Kịp thời tổng kết biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với việc biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh./.
 
Theo kontum.gov.vn