Tỷ giá tăng, nhà nông nặng gánh
- Thứ bảy - 09/05/2015 04:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Méo mặt” vì tỷ giá…
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng biết, ngành nông nghiệp hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, sau mỗi lần tỷ giá tăng, gánh nặng chi phí sẽ lại đổ dồn lên vai người nông dân… “Đợt điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% của ngân hàng mới đây, người nông dân sẽ lại “méo mặt” vì chi phí”-ông Thắng nói.
Một chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết, chúng tôi đang hụt hơi với tốc độ tăng giá đầu vào. Tỷ giá mới đây lại được điều chỉnh tăng thêm thì giá thức ăn chăn nuôi kiểu gì cũng lại tăng. Những năm biến động tỷ giá trước đó cũng vậy, những người chăn nuôi như ông chủ trại gà này chỉ được giải thích rằng: Do tỷ giá tăng nên giá thức ăn phải tăng vì nhập khẩu. DN sản xuất cám phải tốn thêm tiền mua nguyên liệu nên giá bán sản phẩm phải tăng lên.
“Giá thức ăn tăng chắc chắn sẽ làm đội giá thành chăn nuôi trong khi giá xuất chuồng chăn nuôi của bà con thì thấp, thử hỏi nông dân làm sao không khỏi lo lắng. Đấy là còn chưa kể giá con giống, thuốc thú y cũng phải nhập khẩu tăng lên nữa”-ông chủ trại gà nói.
Thực tế, tại ĐBSCL thời điểm này, giá tôm, cá tra cũng đang giảm mạnh do xuất khẩu sụt giảm, người nuôi lo hòa vốn đã khó không nghĩ đến lãi. Nếu thức ăn, thuốc thú y, xăng dầu (đều phải nhập khẩu) tăng và tăng nữa theo tỷ giá thì nông dân chỉ có nước bỏ ao, bỏ chuồng.
Xoay trở cách nào?
Thực tế, người nông dân không có cách gì xoay trở trước sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào. Trong khi họ phải chấp nhận giá nông sản bán ra do thị trường quyết định, mà giá các nông sản này thì luôn trồi sụt và thường ở mức thấp.
Ông Nguyễn Hạc Thúy-Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng lo lắng, giá phân bón nhập khẩu chắc chắn sẽ bị đội lên và giá phân bón đến tay nông dân sẽ bị tăng lên. Giá phân bón tăng mà giá gạo lại xuống thấp thì nông dân trồng lúa chỉ có lỗ thêm lỗ.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Nam-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, chính sách tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu chỉ mang lại hiệu quả khi nông sản của chúng ta sản xuất ra dựa trên nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước. Những sản phẩm như chăn nuôi, cá tra, tôm, lúa gạo, tiêu, điều, cà phê đều đang phải phụ thuộc tới 70% nguyên liệu nhập khẩu thì tỷ giá càng tăng, càng đội thêm chí phí, rất khó cạnh tranh. Theo ông Nam, tất cả chi phí nhập khẩu đều được đưa vào giá bán, đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, lúa gạo lên.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường đã từng “đăng đàn” dẫn một vài con số khảo sát, trong điều kiện mưa thuận gió hòa, 1 sào ruộng (360m2) trồng lúa cho thu khoảng 1,3 triệu đồng/vụ, chi phí đầu tư đã mất trên dưới 1 triệu, tính ra mỗi vụ kéo dài khoảng 3 tháng, nông dân chỉ lãi từ 100.000 - 200.000 đồng.
Chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định: Nông dân đang được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi sản xuất - phân phối và kể cả trong mối liên kết nông dân - DN. Người nông dân thực tế đang bị thua thiệt trong khi phần lợi lớn nhất lại thuộc về các DN, thương lái, giá nông sản đội lên thì người tiêu dùng “gánh”. Chúng ta phải có chính sách nào để hỗ trợ người nông dân nhất là trong bối cảnh tỷ giá, lãi suất ngày càng biến động. Việt Nam hội nhập thì các biến động đầu vào-đầu ra của sản xuất nông nghiệp sẽ càng rộng, càng mạnh, nông dân tự bơi thì chỉ có “chết chìm”.
Ông Đoàn Trọng Lý-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm nay nhưng đến giờ đã hết dư địa để điều chỉnh, không biết có neo được không, đánh vào tâm lý DN, nông dân nặng nề. Mình chủ yếu nhập khẩu vật tư nông nghiệp mà phải chịu tỷ suất 2% thì không phải nhỏ. Do vậy, ngoài việc nới tỷ giá Nhà nước cần có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bộ khác như giảm lãi suất cho DN và nông dân để nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản.