Tỷ phú gà Bình Phước chi nghìn tỷ xây trại giống 2.400 con lợn cụ kỵ
- Thứ ba - 04/06/2019 20:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mong muốn cung cấp con giống tốt cho khu vực Tây Nguyên
Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hùng Nhơn Group, dự án “Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk” có quy mô diện tích khoảng 200ha, tổng vốn đầu tư toàn dự án là 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án từ quý III/2019 đến quý IV/2025.
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, với diện tích khoảng 80ha, khu trang trại chăn nuôi sẽ cung cấp những con lợn giống di truyền có chất lượng cao và sạch bệnh cho thị trường Tây Nguyên, miền Nam nói riêng, và thị trường Việt Nam nói chung, đồng thời hướng đến xuất khẩu toàn khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm giống của Công ty có quy mô dự kiến 2.400 lợn giống cụ kỵ, được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, có tổng giá trị đầu tư là 22 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng).
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại gà đẻ của Hùng Nhơn Group tại Bình Phước. (ảnh: internet)
Đặc biệt, khi dự án đi vào hoạt động sẽ cung cấp lợn giống cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) tại tỉnh Đăk Lăk. Trong đó, các giống lợn cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo nguồn gen tốt, quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kĩ thuật...
Ông Hùng cho biết, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH De Heus nhận thấy được tầm quan trọng của vùng an toàn để chăn nuôi lợn, cũng như nhu cầu cao về giống di truyền khỏe, năng suất sinh sản cao và chất lượng tốt để phục vụ việc tái đàn khi dịch tả lợn đi qua nên đã tăng tốc, thúc đẩy việc hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn giống hiện đại ở tỉnh Đăk Lăk.
Hướng tới xuất khẩu
Mặc dù có ý kiến lo ngại về hiệu quả của dự án này do dịch tả lợn châu Phi đang không ngừng lan rộng (tính tới ngày 3/6 đã có 52 tỉnh, thành phố có dịch - PV), rủi ro rất lớn, nhưng ông Hùng khẳng định, đã xây dựng những “kịch bản” để ứng phó với tình huống xấu.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao này sẽ tạo việc làm cho 150 - 200 người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đăk Lăk, đào tạo cho tỉnh nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi theo công nghệ hiện đại… góp phần nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh... |
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà lạnh công nghệ cao, ông Hùng tin tưởng, dự án sẽ đáp ứng được nhu cầu con giống tốt cho thị trường trong khoảng 2 năm nữa và thiết lập được vùng an toàn dịch bệnh, từ đó tiến tới xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thịt lợn.
Doanh nghiệp của ông Hùng được biết đến là nhà chăn nuôi gà hàng đầu Việt Nam, đơn vị đã nuôi thành công hàng triệu con gà thịt theo tiêu chuẩn Global Gap, vượt qua mọi cửa ải kiểm soát khắt khe nhất để xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản.
Để cho ra lô hàng thịt gà đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản, Hùng Nhơn Group đã hợp tác cùng Công ty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus – Hà Lan) cung cấp thức ăn; Công ty CP Bel Gà (Bỉ) cung cấp giống và Cty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) nhận trách nhiệm thu mua, giết mổ và xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi đó, Hùng Nhơn Group thực hiện chăn nuôi đàn gà trong các trang trại gà đạt chuẩn Global Gap.
Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk nhấn mạnh, Đăk Lăk có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là quỹ đất. Trước tình trạng ngành chăn nuôi của cả nước đang đối mặt với dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá lợn hơi giảm, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng bị ảnh hưởng và đang gặp khó khăn. Việc đầu tư dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Đăk Lăk phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, góp phần đưa ngành chăn nuôi của địa phương phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Thiên Hương
http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/ty-phu-ga-binh-phuoc-chi-nghin-ty-xay-trai-giong-2400-con-lon-cu-ky-985482.html