U Minh-vùng đất xa xôi mà hấp dẫn vô số đặc sản ngon nức tiếng
- Thứ sáu - 06/03/2020 18:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giải pháp giảm nghèo hiệu quả
Thời gian trước, U Minh là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, với quyết tâm của chính quyền và nhân dân, đời sống của hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn từng bước được nâng lên đáng kể.
Qua kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2018 toàn huyện U Minh có gần 2.000 hộ nghèo (hơn 7,6%) và hơn 800 hộ cận nghèo (hơn 3,1%).
Theo UBND huyện U Minh, ngay từ đầu năm, huyện đã tổ chức triển khai các văn bản về công tác giảm nghèo cho cán bộ chủ chốt ở các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn. Qua đó đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, công chức và đặc biệt là người dân về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Huyện U Minh chú trọng giảm nghèo đi vào thực chất, khai thác tốt thế mạnh của địa phương, trong đó tập trung bảo tồn, phát triển các sản phẩm đặc sản ngon nức tiếng như mật ong rừng tràm. Ảnh: Chúc Ly.
Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 gần 10 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là hơn 7,3 tỷ đồng; duy tu sửa chữa gần 500 triệu đồng; hỗ trợ 194 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với 10 mô hình phát triển sản xuất, với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Từ những hoạt động thiết thức, qua rà soát hộ nghèo năm 2019 có 1.000 hộ thoát nghèo, 429 hộ thoát cận nghèo. Như vậy, năm 2019, trên địa bàn huyện còn 995 hộ nghèo (chiếm hơn 3,8%, giảm hơn 3,8% so với năm 2018); không còn hộ gia đình chính sách nghèo, cận nghèo; còn 595 hộ cận nghèo (chiếm 2,3%, giảm hơn 0,8% so với năm 2018).
Tuy nhiên, UBND huyện U Minh cũng nhìn nhận, một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo đầu tư còn dàn trải, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân, hiệu quả chưa cao; lồng ghép hoạt động giữa các chương trình, dự án cho ấp nghèo, xã nghèo về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nguồn lực đầu tư cho thực hiện công tác giảm nghèo còn hạn chế…
Từ đó, tham mưu Ban thường vụ Huyện ủy phân công các ban, ngành đoàn thể cấp huyện phụ trách hỗ trợ, giúp đỡ các ấp có tỷ lệ hộ nghèo từ 6% trở lên.
Khai thác tốt thế mạnh địa phương
Bên cạnh công tác giảm nghèo với những việc làm cụ thể, đi vào thực chất, trong thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện luôn xem nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập là cốt lõi.
Theo UBND huyện U Minh, trong năm 2019, huyện đã triển khai thực hiện xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng 46 công trình lộ giao thông nông thôn ở các xã với tổng chiều dài 47km, tổng kinh phí hơn 28,2 tỷ đồng; nạo vét hoàn thành 43/43 công trình thuỷ lợi, với chiều dài gần 122km;…
Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân tiếp tục luôn được huyện quan tâm chỉ đạo và xem đây là khâu then chốt trong việc xây dựng NTM, nhất là việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và theo hướng hợp tác liên kết để tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện.
Trồng bồn bồn là mô hình đang mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Bồn bồn cũng là một trong những đặc sản hấp dẫn du khách mỗi khi đến với vùng đất U Minh xa xôi của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.
Chia sẻ với chúng tôi, lão nông Quách Thanh Sử (ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cho hay: “Bộ mặt nông thôn của huyện mấy năm gần đây thay đổi rõ nét, bà con mừng lắm. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm tuyên truyền nông dân phát triển sản xuất, tận dụng ưu thế. Hiện không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng đang thực hiện mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng, đem lại hiệu quả cao”.
“Nhìn đơn giản vậy chứ hiệu quả lắm, bồn bồn là loài cây dễ trồng, lại thích nghi với đất U Minh, trong khi nhu cầu thị trường cao. Chủ yếu bà con mình phải chịu khó, nông dân mà, phải biết khai thác tốt điều kiện sẵn có, không để đất nghỉ” - ông Sử bộc bạch.
Hiện huyện đang thực hiện mô hình phát triển sản xuất như mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, lúa cá đồng kết hợp, nuôi cá đồng,... ở các xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hội và Khánh Thuận. Bên cạnh đó các xã thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019, Chương trình khuyến nông,...
Kết quả rà soát hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2019 trên địa bàn huyện còn 917 hộ nghèo chiếm hơn 4%; có 3 xã đạt lỷ lệ hộ nghèo dưới 4%, nâng tổng số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 4% lên 5 xã.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dư Bé Ba - Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Ngoài ra, tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo bằng các giải pháp thiết thực…
“Huyện đang chú trọng triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, trong đó quan tâm khai thác tốt thế mạnh của địa phương. Để khai thác tốt các sản phẩm đặc trưng của U Minh như cá đồng, mật ong, bồn bồn, trái giác,…huyện đang tích cực gặp gỡ, kiên kết với các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm, hướng đến nâng cao thu nhập cho các hộ dân” - ông Ba thông tin thêm.
Đến nay huyện U Minh có 3 xã đạt chuẩn NTM, gồm Khánh An, Khánh Hoà và Khánh Tiến; xã Khánh Hội đạt 16/19 tiêu chí, Khánh Lâm đạt 15/19 tiêu chí, xã Nguyễn Phích và Khánh Thuận đạt 14/19 tiêu chí. Mục tiêu năm 2020, phấn đấu xã Khánh Hội đạt chuẩn xã NTM trong quý II năm 2020; các xã Khánh Lâm, Khánh Thuận và Nguyễn Phích đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020; phấn đấu xây dựng xã Khánh An đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 93% trở lên; môi trường từng bước xanh - sạch - đẹp,… |
Xem bài viết gốc tại đây