Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại “Thành phố ngàn hoa”
- Thứ ba - 11/04/2017 03:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không thỏa mãn với vị thế, thương hiệu rau Đà Lạt ở thị trường trong nước, nhiều nông hộ ở Đà Lạt lập công ty, mở rộng quy mô, chuyên sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đưa sản phẩm vươn ra thị trường ngoại quốc.
Năm 2011, Công ty TNHH Trồng trọt Kim Bằng đã chi hàng chục tỷ đồng nhập khẩu công nghệ, trang thiết bị nông nghiệp từ Israel về Đà Lạt sản xuất rau theo phương pháp thủy canh.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc công ty cho biết, DN của bà hướng tới nền nông nghiệp thông minh, được hiểu là một cách tiếp cận mới về phát triển nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, đó là nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.
Điều kiện bắt buộc là phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ quản lý trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Việc đầu tư cho nông nghiệp thông minh, sản xuất rau theo phương pháp thủy canh ở đây được đầu tư lên tới 1,2 tỷ đồng/1.000 m². Mặc dù kinh phí đầu tư để phát triển nông nghiệp thông minh tương đối tốn kém nhưng sau khi đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất thì lại tiết kiệm được rất nhiều nhân công, nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu và các chi phí khác.
Thời gian thu hồi vốn cũng nhanh bởi sản phẩm làm ra có chất lượng rất cao, đảm bảo ATVSTP nên được người tiêu dùng tin tưởng, tín nhiệm lựa chọn sử dụng với giá thành tương đối cao và ổn định.
Những năm gần đây, Đà Lạt xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… tới đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Tiêu biểu là Công ty TNHH nông trại SamGong, chuyên sản xuất dâu tây giống Hàn Quốc.
Ông Son Sang-hyeon, Giám đốc công ty cho biết, năm 2014, ông được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư, chuyên sản xuất dâu tây với diện tích 6,7ha. Nhà kính trồng dâu tây theo công nghệ Hàn Quốc có hệ thống cảm ứng ghi nhận nhiệt độ, độ ẩm... nếu nhiệt độ tăng cao, hệ thống quạt gió tự động quay thì lưới che mát sẽ bung ra, hệ thống tưới phun sương hoạt động để làm mát.
Phân bón được bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Dâu tây được trồng trên những giá thể, cách mặt đất ít nhất 50cm, bề mặt nông trại được trải bạt hoặc bê tông hóa để cánh ly mầm bệnh xuất hiện trong đất. Giá bán 1kg dâu tây ở đây là 300.000 đồng.
Sản xuất rau sạch tại Công ty TNHH Trồng trọt Kim Bằng. |
Công ty TNHH MTV Create Star Việt Nam thuộc Tập đoàn Hoshina Group (Nhật Bản), năm 2015 cũng đã tới TP Đà Lạt “vỡ đất” trồng dây tây Nhật theo phương pháp NNCNC. Trước khi đầu tư sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Hoshina Group, công ty này đã tuyển chọn một số nhân viên có trình độ gửi sang Nhật Bản để trực tiếp tham gia sản xuất, học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Hiện 1.000m² nhà kính của DN này được đầu tư lên tới 1,5 tỷ đồng, trong đó có nhiều thiết bị được nhập về từ Nhật Bản. Dâu được trồng trên các giá thể đất vi sinh, xơ dừa đã được khử trùng, cao cách mặt đất khoảng 50cm.
Khâu tưới nước cho dâu rất quan trọng, phải là nước sạch được điều chỉnh hàm lượng dưỡng chất trong nước, giờ tưới lượng nước phù hợp với cây dâu tây. Trong vườn dâu tây còn được nuôi ong mật với mục đích để ong thụ phấn cho hoa dâu, nhằm đạt tỉ lệ đậu trái cao. Giá 1kg dây tây của Công ty TNHH MTV Create Star Việt Nam tại Lâm Đồng là 400.000 đồng.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP cho biết, với 11h đất đang sản xuất hàng chục loại rau hiện nay, mỗi năm công ty này thu hoạch gần 1.000 tấn rau thương phẩm các loại. Quy trình sản xuất rau sạch ở đây được tuân thủ kỹ thuật chặt chẽ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nông nghiệp đến từ châu Âu.
Hằng năm, gần 50% sản lượng rau của Công ty TNHH Đà Lạt GAP được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, có sự ràng buộc nghiêm ngặt về chất lượng. Công ty này cũng đã được tổ chức Control Union (Hà Lan) cấp chứng chỉ “Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế” (Global G.A.P) về rau quả, cũng là DN đầu tiên được cấp chứng nhận “Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao” của Bộ NN&PTNT.
Ông Lê Văn Cường khẳng định: “Chúng tôi sản xuất ra các mặt hàng rau có thương hiệu, về mặt hàng rào kỹ thuật đã có chứng nhận Global GAP và chúng tôi chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu. Làm rau an toàn không khó khăn, khó khăn nhất là phải tuân thủ quy trình một cách nghiêm chỉnh!...”.
Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào Đà Lạt nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp nghề nông với vô vàn vất vả. Chính ông đã phải quẩy bộ từng gánh rau ra chợ Đà Lạt bán đến đau cả họng.
Không lâu sau, những hợp đồng lâu dài cung cấp rau vào siêu thị tại TP Hồ Chí Minh được ký kết. Đơn đặt hằng ngày càng tăng, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Thừa đứng ra thành lập HTX rồi mở rộng liên kết với nhiều hộ dân trong vùng, ông chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm.
Từ năm 2014, HTX đã đạt được những thỏa thuận với đối tác Hàn Quốc mỗi tháng xuất sang thị trường này 60 tấn nông sản sạch các loại, mở đầu cho hành trình đưa ra của HTX xuất ngoại. Đến nay, mỗi tháng có hàng trăm tấn rau của HTX vươn đi chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỗi năm HTX sản xuất được 50.000 tấn rau các loại. Nhiều xã viên có thu nhập đến 1,2 tỷ đồng/năm, hộ liên kết đạt bình quân hơn 200 triệu đồng mỗi năm. HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 170 lao động, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng. Một DN khác là Công ty TNHH trang trại Trường Phúc (TP Đà Lạt), dù thành lập cách đây ít năm nhưng cũng đã đạt được những thỏa thuận về việc xuất khẩu rau sang thị trường Hàn Quốc.
Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc công ty cho biết, đây là động lực để DN này tiếp tục mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vươn ra các nước trong khu vực.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, nhờ ứng dụng công nghệ cao mà năng suất, chất lượng rau Đà Lạt ngày càng tăng. Những năm gần đây, Đà Lạt đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất giữa các nông hộ, hoặc giữa DN với các gia đình trồng rau quả.
Cuối năm 2016, đã có gần 50 chuỗi liên kết sản xuất nhằm tăng chất lượng, sản lượng, đáp ứng được yêu cầu của đối tác khi cơ hội xuất khẩu nông sản. Hiện hằng năm tỉnh này cung cấp khoảng 2,7 triệu tấn rau thương phẩm. Rau Đà Lạt đang vươn tới thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan...
Hằng năm Đà Lạt xuất khẩu khoảng 20.000 tấn rau. Đà Lạt đang có “làn sóng” thu hút các DN nước ngoài tới đầu tư trong lĩnh vực NNCNC, trong những năm tới chắc chắn sản lượng rau quả của Đà Lạt xuất khẩu được kỳ vọng là sẽ tăng mạnh, tạo ra bước đột phá mới.