Ứng dụng công nghệ sinh học: Mũi nhọn nâng tầm nông nghiệp Việt
- Thứ hai - 20/07/2015 00:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bà Nguyễn Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) - cho biết, trong 214 nhiệm vụ đã triển khai, có 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu ứng dụng vào sản xuất. Nổi bật nhất là ứng dụng “chỉ thị phân tử” và chọn tạo các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, bạch lá và giống ngô lai chịu hạn. Trong thủy sản đã ứng dụng và nuôi thương phẩm cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh, nuôi thành công các đàn tôm sú, tôm chân trắng ở nhiều vùng địa lý khác nhau…
Đặc biệt, năm 2015, sau 10 năm phát triển hành lang pháp lý cho ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, việc đưa một số giống cây trồng biến đổi gen (ngô) vào sản xuất được coi là dấu mốc quan trọng giúp nông dân Việt Nam tiếp cận gần hơn với các giải pháp công nghệ và canh tác tiên tiến nhất trên thế giới. Đồng thời, ứng dụng ngô chuyển gen cũng được xem là công cụ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong giai đoạn hiện nay, cũng như đáp ứng nguồn cung cho chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi đang ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, tồn tại lớn nhất của chương trình là sản phẩm tạo ra chưa nhiều, chưa làm chủ được công nghệ nền, chưa được ứng dụng rộng rãi với quy mô công nghiệp; sản phẩm chủ yếu tập trung ở cây trồng, các chế phẩm vắc xin trong phòng bệnh chưa được tạo ra; các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu giao cho các tổ chức công lập, chưa có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp; công trình nghiên cứu chủ yếu công bố ở trong nước, chưa được công bố tại các tạp chí quốc tế có uy tín.
Là một nhà khoa học, ông Nông Văn Hải - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam - cho rằng, vấn đề không chỉ có tài chính, mà còn là sự liên kết và triển khai ứng dụng giữa các cơ sở khoa học và đơn vị ứng dụng là doanh nghiệp nhưng hiện nay sự liên kết vẫn rời rạc.
Ông Trần Mạnh Báo- Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình - chia sẻ, để việc ứng dụng CNSH vào cuộc sống, tạo ra những sản phẩm cho xã hội với trình độ công nghệ cao không thể thiếu doanh nghiệp làm cầu nối tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Bản thân doanh nghiệp cũng luôn xác định rằng ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp là yêu cầu không thể thiếu, doanh nghiệp cũng phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, khó khăn của nhiều doanh nghiệp là trình độ nhận thức về khoa học công nghệ nói chung và CNSH nói riêng còn thấp, điều kiện chuyển giao các nghiên cứu từ các cơ quan nghiên cứu nhà nước đến doanh nghiệp vẫn tắc do cơ chế. Vì vậy, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phần nghiên cứu, giúp họ đào tạo nhân lực và có cơ chế, chính sách kết nối doanh nghiệp với cơ sở nghiên cứu để các sản phẩm nghiên cứu có thể đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát: Nông nghiệp nước ta phải chuyển hẳn sang một nền nông nghiệp sản xuất cạnh tranh quốc tế, muốn vậy, trình độ công nghệ hàm chứa trong các loại nông sản phải được nâng lên ngang bằng với các nước tiên tiến. Trong đó, CNSH được kỳ vọng là mũi nhọn. Cần có cách nhìn toàn diện và tổng thể theo một hệ thống đồng bộ. Trong giai đoạn mới phải có cơ chế rộng mở để xã hội quan tâm, các doanh nghiệp được tham gia nghiên cứu... |