Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Cần cơ chế rộng mở
- Thứ bảy - 27/06/2015 07:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là những con số được đưa ra tại hội nghị Phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, diễn ra sáng nay (27/6), tại Hà Nội.
Hiệu quả chưa cao
Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp - thủy sản nhằm chọn tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, chủng vi sinh vật, các chế phẩm công nghệ sinh học mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ nuôi trồng và phát triển thuỷ sản và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, tăng nhanh tỷ lệ nông, lâm, thuỷ sản chế biến phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ NN & PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2006-2014, chương trình triển khai 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ, với tổng kinh phí khoảng 552 tỷ đồng. Trong đó, 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu ứng dụng vào sản xuất, về lĩnh vực nông nghiệp là 83 nhiệm vụ; lĩnh vực thủy sản 47 nhiệm vụ. Nổi bật nhất là ứng dụng “chỉ thị phân tử” và chọn tạo các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, bạch lá, giống ngô lại chịu hạn. Trong thủy sản đã ứng dụng và nuôi thương phẩm cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh, nuôi thành công các đàn tôm sú, tôm chân trắng ở nhiều vùng địa lý khác nhau.
Năm 2015, sau 10 năm phát triển hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, việc đưa một số giống cây trồng biến đổi gen (ngô) vào sản xuất được coi là dấu mốc quan trọng. Ứng dụng canh tác cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam được xem là một giải pháp quan trọng và có ý nghĩa giúp nông dân Việt Nam tiếp cận gần hơn với các giải pháp công nghệ và canh tác tiên tiến nhất trên thế giới, cung cấp thêm cho nông dân trong nước cơ hội lựa chọn sử dụng các sản phẩm giống cây trồng tốt, hiệu quả canh tác cao
Mặc dù vậy, theo bà Thủy, sản phẩm của Chương trình mới chỉ tập trung vào các giống lúa mới, các chế phẩm vi sinh vật, các cây giống nuôi cấy mô và một vài sản phẩm khác. Đối với các lĩnh vực như: chăn nuôi thú y, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây trồng biến đổi gen chưa có nhiều kết quả ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm của lĩnh vực Thuỷ sản cũng còn nhiều hạn chế, mới tạo ra chủ yếu là các sản phẩm trung gian, sẽ là vật liệu để nghiên cứu, sản xuất tạo ra các sản phẩm cuối cùng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu giao cho các tổ chức công lập rất ít giao cho doanh nghiệp. Công trình nghiên cứu chủ yếu mới được công bố ở các tạp chí trong nước chưa công bố tại các tạp chí quốc tế….
Cần có cơ chế rộng mở
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam, việc chuyển từ giai đoạn từ thuần túy ứng dụng công nghệ sang giai đoạn làm chủ và tự sáng tạo ra công nghệ đòi hỏi phải có cơ chế về tài chính, về thời gian kinh phí phải cấp cho khoa học công nghệ cần được nâng lên và linh hoạt hơn. Ngành nông nghiệp đã tạo ra đà rất thuận lợi trong ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua nhưng để phát triển hơn nữa thì cần phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Nông nghiệp nước ta phải chuyển hẳn sang một nền nông nghiệp sản xuất cạnh tranh quốc tế. Hàng hóa đứng vững ngay ở thị trường trong nước với hàng hóa của các nước đối tác. Muốn như vậy, trước hết trình độ công nghệ hàm chứa trong tất cả các loại nông sản phải được nâng lên ngang bằng với các nước tiên tiến. Trong đó, công nghệ sinh học được kỳ vọng là mũi nhọn. Để làm được điều này cần thay đổi tư duy về phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, phải có cách nhìn toàn diện và tổng thể theo một hệ thống đồng bộ. Ngoài ra, phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp trong giai đoạn mới phải có cơ chế rộng mở để xã hội quan tâm, các doanh nghiệp được tham gia nghiên cứu...