Ước mơ đã trở thành hiện thực

Ước mơ đã trở thành hiện thực
Thôn Phong Hậu là nơi có mức sống “hẻo” nhất xã Hòa Hội (Phú Hòa - Phú Yên). Thế nhưng nhiều gia đình nghèo trong xóm vẫn tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để góp phần cùng Nhà nước làm đường, xây cầu…

Từ ước mơ cháy bỏng

Thôn Phong Hậu có 2 xóm: Bến và Mới; hơn một nửa số hộ thuộc diện cứu đói khi giáp hạt. Trong đó, xóm Mới được thành lập năm 1993, là nơi cư ngụ của lưu dân nghèo khó từ những vùng khác đến đây sinh cơ lập nghiệp. Dù nằm sát Quốc lộ 25 nhưng do bị “núi chắn, sông ngăn”, muốn ra bên ngoài, người dân thường phải xuôi theo con đường mòn độc đạo rộng chưa tới 1,5m, qua chiếc cầu gỗ ọp ẹp bắc trên kênh chính của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Do giao thông cách trở, mùa nắng bà con chỉ biết gùi sản phẩm lội bộ hàng chục cây số từ rẫy ra chợ để bán hay đổi lấy những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày, chính vì vậy, cuộc sống của người dân còn nhiều gian khó.

Ông Võ Văn Ký, người dân trong xóm nhớ lại: “Trước năm 2008, ở xóm Mới này, đông cũng như hè, khi nào cũng thiếu nước. Mùa mưa xóm hoàn toàn bị cô lập, trẻ con phải nghỉ học, năm nào cũng xảy ra trường hợp chết đuối rất đau lòng, nhất là thời điểm mưa bão lớn. Nhiều trận lụt, nước ngập tới nóc mà có biết chạy đường nào, nhiều hộ phải leo lên cây tránh lũ, chờ cho “thủy thần” nguôi giận! Nhiều khi thấy cuộc sống bấp bênh, tôi định bàn với cả nhà bỏ đi chỗ khác làm ăn nhưng cũng chẳng biết có nơi nào tốt hơn”.

Nhận thấy nỗi bức xúc của người dân, UBND xã Hòa Hội đã vận động bà con xóm Mới hiến đất làm đường, xây cầu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ…

Con đường, cây cầu từ lòng dân

Chỉ qua vài lần họp dân, lấy ý kiến, các hộ trong xóm đã đồng ý hiến hơn 12.000m2 đất thổ cư, đất sản xuất (trị giá hơn 400 triệu đồng) để làm đường và các công trình công cộng khác. Trong đó, hộ anh Trần Văn Truyền hiến hơn 1.500m2, hộ ông Trần Văn Lập hiến hơn 2.500m2, hộ bà Trần Thị Lần hơn 450m2… 

Đặc biệt, hộ anh Trần Văn Truyền không chỉ tiên phong trong việc tự nguyện góp đất mà còn tích cực vận động các gia đình khác tham gia. Cũng giống như nhiều hộ khác, gia đình anh thuộc diện nghèo trong xã, vợ chồng có đến 7 người con đang trong độ tuổi ăn học. Anh Truyền chia sẻ: “Khi ấy, phần đất mà gia đình đóng góp đã hứa bán cho người khác để có tiền trả nợ, được định giá hơn 30 triệu đồng. Đấy là số tiền mà có lẽ cả đời tôi chắc không bao giờ có được. Nhưng sau khi nghe các anh ở xã gợi ý, lại nhớ tới lúc sinh thời, mẹ tôi luôn đau đáu nói về một con đường hoàn chỉnh để tụi trẻ bớt cực hơn trong việc cắp sách tới trường, tôi không bán nữa mà quyết định hiến toàn bộ diện tích này”.

Hộ ông Y Maiêng, người Chăm H’roi cũng hiến hơn 350m2 đất sản xuất. Ông Maiêng cho biết: “Nhà tui chỉ có hơn 700m2 đất ở và sản xuất. Nhưng khi nghe cán bộ giải thích có lý có tình, cả nhà đồng ý hiến một nửa”. Nói đến đây, giọng ông Maiêng hoan hỉ: “Dùng đất của dân để xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân là việc làm có ý nghĩa của chính quyền địa phương. Vì thế, bà con ai cũng hết lòng ủng hộ”.

Vào năm 2008, con đường đất dài 3km, rộng 7,5m với tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng và chiếc cầu vượt lũ dài 30m, rộng 6m với tổng đầu tư hơn 400 triệu đồng (kinh phí xây dựng lấy từ ngân sách huyện, xã) đã hoàn thành trong niềm vui sướng của người dân xóm Mới.

Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hội Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định: “Nếu không có sự hợp tác, đồng lòng của người dân thì có lẽ việc có đất để làm đường, xây cầu sẽ khó thành hiện thực. Có cầu, có đường, cuộc sống của bà con xóm Mới đã khấm khá hơn, nhà nào cũng có của ăn của để, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”.

Minh Tuấn (kinhtenongthon.com.vn)