Ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao
- Thứ ba - 26/01/2016 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Sở NN&PTNT, năm 2015, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn thành phố ước đạt trên 294 nghìn ha, đạt 100,27% so với năm 2014. Diện tích lúa cả năm đạt trên 200 nghìn ha, bằng 98,6% so với năm 2014, năng suất bình quân ước đạt 58,42 tạ/ha so với năm trước… Bên cạnh đó, tổng diện tích rau, đậu, hoa cây cảnh của Hà Nội trên 38 nghìn ha, bằng 107% so với năm 2014.
Trong đó, đối với sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao từ năm 2011 đến năm 2015, sau 5 năm thực hiện tổng diện tích các vùng lúa chất lượng cao trên toàn thành phố đạt trên 27,8 ha. Trong đó có 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 86 HTX nông nghiệp trên 14 huyện ngoại thành đã được xây dựng. Năm 2015 tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố đạt 32,5-35,5%. Hiện nay ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao với qui mô hàng nghìn ha. Huyện có diện tích lớn như Ứng Hòa trên 3,3 nghìn ha chiếm 34% diện tích lúa, huyện Đông Anh gần 3 nghìn ha, chiếm 47% diện tích lúa chất lượng cao; huyện Thanh Oai có 45% diện tích lúa chất lượng cao… Đặc biệt đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao như Gạo Bồ Nâu-Thanh Văn; Gạo thơm Bối Khê-Tam Hưng. Chương trình đã hưởng ứng và khẳng định việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một trong những giải pháp quan trọng lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên tinh thần Nghị quyết 21 của Quốc hội và chương trình Xây dựng cánh đồng mẫu lớn do Bộ NN&PTNT phát động.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, diện tích cây ăn quả, cây lâu năm cũng tăng 6,69% so với cùng kỳ, tăng lên hơn 20,3 ha. Một số cây ăn quả có diện tích tăng như xoài, thanh long, chuối… Chương trình phát triển cây ăn quả đã xây dựng được 3 mô hình phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao với diện tích 37 ha tại 2 huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, trong đó 7 ha thâm canh bưởi Diễn theo VietGAP và 30 ha thâm canh nhãn chín muộn theo VietGAP. 100% diện tích bưởi Diễn và nhãn chín muộn trong mô hình đều được chứng nhận phù hợp ( QUACERT) theo dõi đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Các loại cây công nghiệp khác như chè cũng phát triển tương đối ổn định, sản lượng đạt hơn 11,7 nghìn tấn, tăng 4,97% so với cùng kỳ. Trong năm 2015, Sở NN%PTNT đã tổ chức chọn lựa và triển khai xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại 3 huyện Quốc Oai, Sóc Sơn, Ba Vì với qui mô 38 ha, trong đó có 2 mô hình thâm canh chè theo VietGAP tổng diện tích là 20ha và đã được theo dõi đánh giá, cấp giấy chứng nhận phù hợp tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, xã Ba Trại, huyện Ba Vì.
Đạt được kết quả trên là do trong năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng và chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời… nên năng suất, sản lượng cây trồng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đã tập trung phối hợp tốt với Sở NN&PTNT Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất trồng trọt, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao… Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít.
Vì vậy, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, để thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển, cần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, tăng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, qui mô lớn; góp phần quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, đặc biệt chú trọng công tác giống cho vụ sau và nâng cao chất lượng giống, lựa chọn giống có năng suất, chất lượng vượt trội bổ sung dần vào cơ cấu giống của thành phố. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao; thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo chinhphu.vn