Ưu tiên vốn cho vùng đặc biệt khó khăn

Giới chuyên gia cho rằng, tín dụng chính sách làm giảm sức thu hút của thị trường tín dụng đen đối với người dân. Nếu không tiếp cận được với nguồn tín dụng thương mại đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm..., người nghèo và các đối tượng chính sách khác phải vay với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn địa phương, góp phần tạo điều kiện cho thị trường tín dụng phi chính thức này phát triển.
Ưu tiên vốn cho vùng đặc biệt khó khăn
Giới chuyên gia cho rằng các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận hiệu quả hơn. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Tín dụng chính sách đẩy lùi phi tín dụng
 
Đối với các tổ chức cho vay trong khu vực tài chính chính thức, việc cho vay đối với người nghèo là quá rủi ro (có tỷ lệ vỡ nợ cao) và chi phí cao (chi phí giao dịch cao), vì vậy, họ thường đặt ra các yêu cầu chặt chẽ về tài sản đảm bảo và chính điều này lại tiếp tục cản trở một bộ phận lớn người dân tiếp cận với tín dụng.
 
Trước thực tế này, một trong các phản ứng đầu tiên là chính phủ các nước đã can thiệp để thành lập các hợp tác xã chính thức phục vụ nhu cầu tín dụng cho người nghèo - dưới cả hình thức các hợp tác xã chuyên về tín dụng hoặc là bổ sung thêm chức năng tín dụng cho các hợp tác xã đa mục tiêu. Tuy nhiên, nói chung, thành công của các hợp tác xã trong việc cung ứng dịch vụ cho người nghèo vẫn còn khá hạn chế và còn ở mức thấp hơn so với kỳ vọng đặt ra.
 
Bà Nguyễn Thị Hòa- phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, thất bại của tài chính chính thức trong việc tiếp cận người nghèo, và khả năng mở rộng hạn chế của tài chính nhóm phi chính thức đã khiến một phần lớn người nghèo tiếp tục bị bỏ lại và họ phải phụ thuộc vào nguồn tài chính tư nhân phi chính thức để đáp ứng các nhu cầu tín dụng của mình.
 
Trong đó, người cho vay - thương lái - chủ đất là những nguồn cho vay phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Tín dụng phi chính thức được ước tính chiếm từ 30% đến hơn 80% nguồn cung tín dụng nông nghiệp tại các quốc gia đang phát triển.
 
Sự linh hoạt, nhanh chóng, minh bạch của các quy trình, mối quan hệ cá nhân và chi phí giao dịch thấp đã tạo nên những thế mạnh chính của tài chính tư nhân phi chính thức.Tuy nhiên, tín dụng phi chính thức, đặc biệt là từ những nguồn tín dụng như thương lái - người cho vay - chủ đất thường áp mức lãi suất rất cao và áp đặt các điều kiện trao đổi không thuận lợi cho người đi vay.
 
Do đó, các khoản vay từ các nguồn phi chính thức nói chung là không đủ về quy mô để phục vụ cho mục tiêu phát triển, thường chỉ phục vụ cho các mục đích ngắn hạn, hiếm khi sử dụng cho mục đích đầu tư tài sản vốn; thường dùng cho các hoạt động truyền thống hơn là các hoạt động đổi mới và sáng tạo, và phần lớn là cho nhu cầu thiết yếu hơn là cho nhu cầu phát triển.
 
Do vậy, bà Hòa cho rằng, cần có cơ chế tín dụng đặc thù cho người nghèo ở khu vực nông thôn. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để đưa ra được các dịch vụ tài chính nhiều hơn với chất lượng tốt hơn cho người nghèo ở khu vực nông thôn thông qua tìm hiểu thực tiễn hoạt động của cả tài chính khu vực chính thức và phi chính thức, kết hợp thế mạnh của 2 khu vực này để đảm bảo hình thành dòng tín dụng tốt hơn cho người nghèo.
 
Vùng đặc biệt khó khăn cần có chính sách ưu đãi về vốn. Nguồn: Đời sống & Pháp luật.
 
Người nghèo cần được hỗ trợ nhiều mặt
 
Giới chuyên gia cho rằng, tín dụng chính sách làm giảm sức thu hút của thị trường tín dụng đen đối với người dân. Nếu không tiếp cận được với nguồn tín dụng thương mại đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm..., người nghèo và các đối tượng chính sách khác phải vay với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn địa phương, góp phần tạo điều kiện cho thị trường tín dụng phi chính thức này phát triển.
 
Tuy nhiên, tín dụng chính sách với những ưu đãi về mặt lãi suất (thấp hơn lãi suất thị trường) và đi kèm là các ưu đãi khác về thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ… giúp cho các đối tượng chính sách cân bằng được mức sinh lời trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp họ không phải tìm đến với các khoản tín dụng nặng lãi.
 
Tín dụng chính sách giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện phân công lại lao động xã hội. Ngoài việc phát huy hiệu quả các nguồn lực về lao động và đất đai, tín dụng chính sách tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách tiếp cận với khoa học kỹ thuật và các công nghệ sản xuất hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất lao động và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, những người nghèo có được việc làm phù hợp với khả năng của mình, đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
 
Ngoài ra, tín dụng chính sách còn có tác dụng giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách đa dạng hóa được các nguồn thu nhập khi ngoài công việc chính là trồng trọt, chăn nuôi, họ còn có thể làm các công việc khác để gia tăng thu nhập sau khi được đào tạo nghề.
 
Ông Ngô Trường Thi- vụ trưởng, chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng,  trước hết, tín dụng chính sách cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho người nghèo trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng, lấy người nghèo làm chủ thể, lồng ghép với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ các chương trình dự án khác, vốn đối ứng của hộ nghèo để tạo ra gói hỗ trợ đủ độ, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững;
 
Hai là, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay hợp lý, tăng dần nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhất là đối với các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới, giúp người nghèo tiếp cận và tham gia được vào chuỗi giá trị của thị trường.
 
Bà Nguyễn Thị Hòa- phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng: Cần có cơ chế tín dụng đặc thù cho người nghèo ở khu vực nông thôn. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để đưa ra được các dịch vụ tài chính nhiều hơn với chất lượng tốt hơn cho người nghèo ở khu vực nông thôn thông qua tìm hiểu thực tiễn hoạt động của cả tài chính khu vực chính thức và phi chính thức, kết hợp thế mạnh của 2 khu vực này để đảm bảo hình thành dòng tín dụng tốt hơn cho người nghèo.
 
T.Hằng/daidoanket.vn