Vai trò của Mặt trận trong bảo vệ môi trường
- Chủ nhật - 03/06/2018 22:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khu dân cư thân thiện với môi trường.
Năm 2005, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường để cụ thể hoá các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong các phong trào, cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm gắn công tác bảo vệ môi trường với phát triển bền vững của đất nước.
Đây là cơ sở, tiền đề để hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.
Nhờ vậy đến nay công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống Mặt trận đã thực hiện thành nề nếp và ngày càng có hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển bền vững của đất nước và ở địa phương.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 4.859 xã đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 54,4%); có khoảng 27 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn)
UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường.
Ở mỗi tỉnh, thành phố, tùy theo đặc điểm của các loại hình khu dân cư vùng thành thị, nông thôn, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, vùng có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo để lựa chọn 2 khu dân cư xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường; từ đó rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và nhân rộng hàng nghìn mô hình điểm với tên gọi, hình thức, nội dung hoạt động rất phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện ở địa phương
Chỉ trong năm 2017, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng mới 94 mô hình tại 47 tỉnh, thành phố; năm 2018, hỗ trợ xây dựng 100 mô hình mới tại 50 tỉnh, thành phố.
Uỷ ban MTTQ các cấp cũng đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tham mưu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng sát với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân ở các địa bàn dân cư. Tổ chức góp ý kiến, phản biện xã hội vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức các đợt giám sát việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở các bờ sông và tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhân dân; về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống, các bãi tập kết rác thải; việc sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương...
Để thực hiện tốt Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp cần tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mọi người dân và toàn xã hội về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường và chủ động hơn nữa sự tham gia của MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường do Đảng và Nhà nước đặt ra.
Đối với các xã đã về đích nông thôn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tập trung vận động nhân dân duy trì và nâng cấp tiêu chí số 17 về môi trường, hiện đại hóa quy trình thu gom và xử lý rác thải, nước thải, khí thải, tích cực xây dựng cảnh quan môi trường trong sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Đối với các xã chưa về đích, chưa hoàn thành tiêu chí số 17, Ủy ban MTTQViệt Nam vận động nhân dân tự giác tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thành lập, kiện toàn các tổ tự quản, xây dựng khu vực thu gom và xử lý rác thải, nước thải, trồng cây xanh… xã hội hóa các nguồn lực hoàn thành tiêu chí số 17.
MTTQ Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường; xử lý kiên quyết, nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở địa phương, cơ sở.
Doãn Hùng/daidoanket.vn