Vai trò của Mặt trận trong thẩm định nông thôn mới
- Thứ ba - 16/01/2018 22:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Mặt trận khi tham gia xây dựng nông thôn mới?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Đến thời điểm này chúng ta đã triển khai xây dựng nông thôn mới được 7 năm và đây là năm thứ 2 của giai đoạn II. Về phía cơ quan thường trực xây dựng nông thôn mới quốc gia chúng tôi thấy chất lượng xây dựng nông thôn mới giai đoạn này đã có bước thay đổi căn bản và rõ nét hơn. Để có được thành quả như hiện nay, vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã góp phần to lớn, giúp chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai một cách hiệu quả và bền vững.
Nghị quyết liên tịch số 88 giữa Chính phủ với UBTƯ MTTQ Việt Nam xác định rõ những nhiệm vụ mà MTTQ sẽ thực hiện. Nếu như giai đoạn I, vai trò của MTTQ chủ yếu là sự tham gia mang tính giải pháp thì sang giai đoạn II, ngay cả trong Quyết định 1600 cũng đã ghi rất rõ Chính phủ đề nghị Mặt trận thực hiện hai nội dung đó là tuyên truyền; giám sát và phản biện cơ chế, chính sách. Như vậy, việc tham gia của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở giải pháp tuyên truyền, vận động mà đây còn là một nội dung, giúp cho Chính phủ thực hiện chương trình này một cách bền vững.
Ông Nguyễn Minh Tiến.
Để người dân và cộng đồng phát huy vai trò chủ thể khi tham gia xây dựng nông thôn mới, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần có cách tuyên truyền, vận động như thế nào, thưa ông?
- Như chúng tôi đã nói, để nông thôn mới thực sự thành công và bền vững, người dân phải là chủ thể. Trong giai đoạn trước, người dân xây dựng nông thôn mới vì lợi ích của bản thân mình, vì gia đình mình thì đến giai đoạn II đã chuyển từ tự phát, sang tự giác. Họ làm nông thôn mới không chỉ vì gia đình, cá nhân mà còn vì cộng đồng, vì xã hội. Trong giai đoạn đầu chúng ta nói “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì đến giai đoạn II đó là “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Sự thay đổi nhận thức của người dân có sự đóng góp rất lớn trong tuyên truyền, vận động của hệ thống MTTQ các cấp.
Thưa ông, việc Mặt trận tổ chức lấy phiếu đánh giá chỉ số hài lòng của người dân có ý nghĩa thế nào khi các địa phương thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới?
- Trong phản biện về cơ chế, chính sách thì Chính phủ đã quy định rất rõ về thủ tục, hồ sơ để xem xét, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới có yêu cầu bắt buộc từ cấp xã, huyện và tỉnh đề nghị MTTQ lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân. Khi chúng ta xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu là nâng cao đời sống người dân, người dân phải hài lòng về xây dựng nông thôn mới. Đây là điều kiện bắt buộc để khi xem xét công nhận địa phương đó có đạt chuẩn nông thôn mới hay không.
Hiện nay, khi MTTQ các cấp tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đã thể hiện rõ vai trò độc lập, phản biện của MTTQ. Trước đây, ở giai đoạn I, chúng ta thường nói một số nơi có dấu hiệu chạy theo thành tích, công nhận nông thôn mới còn non hay thiếu tiêu chí thì nay thông qua việc MTTQ tổ chức lấy ý kiến đánh giá, đại đa số người dân hài lòng mới được xem xét công nhận sẽ khắc phục triệt để bệnh thành tích này.
Đối với những tiêu chí như môi trường, an ninh trật tự hay sản xuất nếu tỷ lệ người dân không hài lòng cao thì phải nói rõ lý do. Đây chính là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, nguồn thông tin của MTTQ hiện nay đối với Hội đồng thẩm định Trung ương, Hội đồng thẩm định của tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây chính là căn cứ xem xét xây dựng nông thôn mới của địa phương đó có đạt chuẩn hay không.
Qua việc MTTQ lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, chúng ta cũng có thêm một kênh thông tin độc lập, phản hồi về kết quả xây dựng nông thôn mới. Khi người dân làm chủ thể xây dựng nông thôn mới thì người dân cũng có quyền quyết định xem địa phương đó có xứng đáng được công nhận nông thôn mới hay không và họ cũng có quyền được lên tiếng về những giải pháp xây dựng nông thôn mới.
Qua việc này, vai trò của Mặt trận cũng được thực hiện đầy đủ khi tham gia giám sát, phản biện các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Trân trọng cảm ơn ông!