Vai trò của kinh tế hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết Trung ương 13 (khóa IX), Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Luật Hợp tác xã khẳng định quan điểm của Đảng ta về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó, kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể là nền tảng vững chắc cho nền kinh tế quốc dân.
Trang trại nuôi gà lạnh của HTX Quý Hiền (Bảo Thắng).
Bài 1: “Thời hoàng kim” của hợp tác xã
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn họp vòng 2 quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện mục tiêu đại hội, trong những năm 1977 - 1978, toàn tỉnh có 631 Hợp tác xã (HTX) với 83% hộ nông dân, trong đó có 229 hợp tác xã thuộc loại khá (chiếm 35%). Hoạt động của các hợp tác xã đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp tiến bộ vượt bậc, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 205.000 tấn, tăng 15,9% so với năm 1976, trồng mới 136,2 ha rừng.  
Những năm 70 của thế kỷ trước, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) có 4 HTX, gồm: Thái Hà, Tân Lân, Hồng Quang và Xuân Tiến với các xã viên chủ yếu là người dưới xuôi lên Lào Cai xây dựng kinh tế mới, bởi vậy hoạt động của những HTX này không kém những HTX vùng đồng bằng. HTX Thái Hà nổi tiếng với phát triển kinh tế rừng; HTX Hồng Quang sản xuất mía đường, miến đao; HTX Xuân Tiến với sự giúp đỡ của Liên Xô là một trong những nơi đầu tiên đưa cây chè lên trồng tập trung tại Lào Cai.
Ông Phan Quốc Ân, nguyên Chủ nhiệm HTX Xuân Tiến không khỏi xúc động khi chúng tôi gợi lại chuyện HTX một thời. Ông Ân làm Chủ nhiệm từ năm 1986 cho đến khi HTX giải thể, vì vậy khi gặp lại ông, nhiều người bạn cùng thời vẫn thường gọi ông là “vị vua cuối cùng ở đất này”. Thời kỳ ông Ân làm Chủ nhiệm được coi là “đỉnh cao” của HTX Xuân Tiến. Trước đó, cũng như nhiều HTX khác, do ảnh hưởng của cơ chế quản lý cũ, HTX này hoạt động trì trệ, đời sống xã viên vô cùng khó khăn. Ông Ân cho biết: Theo điều lệ HTX thời kỳ ấy, tất cả tài sản đều phải gom vào HTX, dẫn đến người dân không thiết tha chuyện tăng năng suất lao động để làm ra nhiều sản phẩm, cây lúa ngoài đồng không ai chăm sóc. Cũng bởi thế mới sinh ra chuyện, nhiều người dân trộn đất vào phân, cân gian thóc, rồi mang nộp cho HTX, suy cho cùng là do người dân không gắn bó với HTX.
Nắm rõ những điều ấy, ngay sau khi được bầu làm Chủ nhiệm, ông Ân đã bàn với các thành viên trong Ban Quản trị HTX Xuân Tiến tìm cách tháo gỡ, để đảm bảo công bằng cho các hộ gia đình, việc đầu tiên phải làm là lấy chính hộ gia đình làm đơn vị hạch toán, “Phải làm sao cho người dân hiểu khi đứng trên mảnh ruộng này mình sẽ được gì”. Một lần trực ở HTX, 42 hộ người Dao đến gặp ông và xin chuyển đi Quế Thượng (Yên Bái) làm ăn. Chuyện quá bất ngờ làm ông chủ nhiệm thần người ra mà chưa biết phải giải quyết thế nào. “Đồng bào nói với tôi rằng, anh làm chủ nhiệm tốt lắm, nhưng chúng tôi không sống ở đây được, HTX không ổn định, chúng tôi không biết bám vào đâu. Đồng bào nói thế, mình đau lòng lắm, vậy mình làm chủ nhiệm để làm gì, nếu không phải là giúp cho xã viên có cuộc sống ổn định.” - ông Ân nhớ lại. Ông quyết định phải thực hiện ngay phân chia công lao động theo định mức từ đầu vụ, ruộng cũng được chia cho các hộ dân tùy theo khả năng. Hiệu quả được thể hiện rõ ngay sau một vụ, nông dân phấn khởi ra đồng, làm chủ trên mảnh ruộng của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu cho việc làm này, nhiều người cho rằng, ông lấy danh chủ nhiệm HTX để phá mô hình HTX xã hội chủ nghĩa.  Sau cuộc kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cấp trên cũng hiểu được tâm huyết của ông, chính điều đó khiến cho công cuộc cải tổ HTX tiếp tục “Xuôi chèo mát mái”. Những cách làm táo bạo trong quản lý và khoán sản phẩm khiến HTX nhanh chóng trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trong số các HTX trên địa bàn huyện Bảo Thắng lúc bấy giờ. Đến nay, những tài sản mà các HTX trước kia vẫn còn nguyên giá trị, HTX Xuân Tiến để lại hơn 100 ha, hiện vẫn đang được người dân các thôn Làng Bạc, Làng Mi, Làng Gạo khai thác hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Cuối những năm 70 đầu 80 của thế kỷ trước, tại huyện Bát Xát, phong trào kinh tế hợp tác xã phát triển mạnh theo chủ trương đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông nghiệp. Những HTX thời ấy, như Tiền Phong, Bản Vược, Bầu Bàng... trở thành những cánh chim đầu đàn, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tập thể thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Huyện Sa Pa cũng không thiếu những HTX điển hình, trong đó phải kể đến HTX sản xuất hạt rau giống tại Sâu Chua (Sa Pả). HTX có đội sản xuất, với hơn 100 xã viên chủ yếu là đồng bào Mông từ Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và Trung Chải đến Sâu Chua định canh, định cư. Mỗi năm, HTX Sâu Chua cung cấp cho cả nước chừng 3 tấn hạt su hào giống. 1 kg hạt su hào được Công ty Giống - hoa quả Trung ương trả 30 kg gạo, xã viên Sâu Chua luôn thừa gạo ăn, đây là niềm ao ước của nhiều nông dân thời hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc.
Hoạt động của HTX trong thời kỳ mới với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều loại hình kinh tế đã có nhiều thay đổi so với HTX thời kỳ bao cấp. HTX hiện nay, mang dáng dấp hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ, linh hoạt, đa dạng hóa ngành, nghề và thích ứng nhanh với biến động của thị trường, nhưng không thể phủ nhận, những bài học trong cách tổ chức sản xuất trước kia vẫn là những kinh nghiệm quý cho các hợp tác xã hiện nay. Xây dựng tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã không phải là tìm lại mô hình tổ chức sản xuất theo kiểu đánh kẻng đi làm, mà cốt lõi là tìm được cái bắt tay của các hộ nông dân cùng chung hướng làm kinh tế, để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, tạo sự liên kết chặt giữa các hộ dân, để có “cái uy” trên thương trường.
Theo baolaocai.vn