Vai trò của nông nghiệp hữu cơ trong giảm thiểu biến đổi khí hậu

Vai trò của nông nghiệp hữu cơ trong giảm thiểu biến đổi khí hậu
Từ lâu, nông nghiệp hữu cơ đã là lựa chọn của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ không còn là khái niệm xa lạ nhưng cũng còn khá mới mẻ.
 

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống nông nghiệp phát triển dựa vào cách thức quản lý hệ sinh thái hơn là sử dụng các yếu tố tác động đầu vào từ bên ngoài. Nó cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng những ảnh hưởng bất lợi đến xã hội và môi trường cả trong hiện tại và tương lai, giảm thiểu thậm chí nói “không” với các chất hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng các yếu tố nhân tạo như phân bón hóa học, các loại thuốc dùng cho động vật, hạt giống biến đổi gen, chất bảo quản, phụ gia và xạ chiếu thực phẩm trong hoạt động nông nghiệp. Việc này giúp duy trì và làm tăng độ màu cho đất cũng như phòng tránh được các loại sâu bọ, bệnh dịch.

Những nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ

Theo Liên đoàn các phong trào sản xuất hữu cơ quốc tế IFOAM, có bốn nguyên tắc cơ bản được coi là gốc rễ để nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển: lành mạnh, sinh thái, công bằng, và sự quan tâm/cẩn trọng dành cho các thế hệ trong tương lai.

Nguyên tắc số 1- lành mạnh: Nguyên tắc này giúp duy trì và làm tăng “sức khỏe” của đất, cây trồng, vật nuôi, con người. Hay nói cách khác, nó chỉ ra rằng sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng không tách rời khỏi hệ sinh thái. Một mảnh đất tốt sẽ giúp cho mùa màng bội thu, cây trồng khỏe và làm tăng sức khỏe của con người và động vật. Sức khỏe cần được hiểu không đơn giản chỉ là sự không đau ốm, bệnh tật mà cần duy trì sự khỏe mạnh cả về thể xác, tinh thần, xã hội và sinh thái. Khả năng miễn dịch, khả năng chịu đựng và phục hồi là đặc trưng chính của sự khỏe mạnh. 

Nguyên tắc số 2- sinh thái: Nông nghiệp hữu cơ cần phải dựa vào hệ sinh thái và chu trình tự nhiên của nó. Sản xuất hữu cơ cần dựa trên các chu trình của sinh thái và sự tái chế. Quản lý nông nghiệp hữu cơ phải thích ứng với điều kiện, sinh thái, văn hóa cũng như quy mô của địa phương. Các yếu tố đầu vào cần được giảm bớt bằng cách tái sử dụng, tái chế và quản lý hiệu quả nguồn nguyên liệu, năng lượng nhằm duy trì và cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ các nguồn tài nguyên. Nông nghiệp hữu cơ cũng phải đảm bảo đạt được cân bằng sinh thái thông qua việc thiết kế hệ thống canh tác, tạo lập môi trường sinh sống và duy trì đa dạng nông nghiệp và nguồn gen.

Nguyên tắc số 3- công bằng: Nông nghiệp hữu cơ cần được xây dựng dựa trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng có liên quan đến môi trường và các cơ hội sinh sống. Sự cân bằng được nhìn nhận trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với các sinh vật khác.

Nguyên tắc số 4- cẩn trọng: Nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý để phòng ngừa và có trách nhiệm với môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đây cũng chính là những quan tâm cơ bản trong quản lý, phát triển và lựa chọn công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ phải phòng ngừa được những rủi ro bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật phù hợp và không sử dụng những kỹ thuật không thể dự đoán được những hậu quả của nó (ví dụ như công nghệ gen).

Lợi ích của nông nghiệp hữu cơ đối với môi trường

 

Bền vững trong dài hạn: Nông nghiệp hữu cơ luôn xem xét đến những ảnh hưởng trung và dài hạn của các tác động nông nghiệp lên hệ sinh thái nông nghiệp. Nó hướng tới việc sản xuất ra thực phẩm trong khi vẫn giữ được cân bằng sinh thái để bảo vệ sự màu mỡ của đất cũng như các vấn đề về các loài sâu bọ gây hại. Nông nghiệp hữu cơ hình thành cách tiếp cận chủ động, thay vì phải đi giải quyết các vấn đề khi chúng xảy ra.

Đối với đất: Việc luân canh, xen canh, quan hệ cộng sinh, phủ xanh, sử dụng phân bón hữu cơ là trọng tâm của các hoạt động hữu cơ tốt cho đất. Điều này thúc đẩy các nhóm sinh vật trong đất, cải thiện thành phần và kết cấu đất cũng như tạo ra những hệ thống bền vững hơn.

Đối với nước: Trong nông nghiệp hữu cơ, phân hóa học, thuốc trừ sâu sẽ được thay thế bằng phân bón hữu cơ (như phân compost, phân động vật, phân xanh) và thông qua việc áp dụng đa dạng sinh học rộng rãi hơn (trong lĩnh vực trồng trọt) nâng cao kết cấu đất và sự thấm nước. Hệ sinh thái được quản lý tốt với khả năng giữ lại chất dinh dưỡng làm giảm đi đáng kể nguy cơ ô nhiễm nước ngầm

Không khí và biến đổi khí hậu: Nông nghiệp hữu cơ làm giảm sử dụng năng lượng không thể tái tạo bằng cách giảm nhu cầu sử dụng hóa chất nông nghiệp (việc này đòi hỏi khối lượng lớn các nhiên liệu hóa thạch). Nông nghiệp hữu cơ giúp giảm hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của trái đất thông qua khả năng cô lập carbon trong đất. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lượng carbon hữu cơ trong đất của các trang trại nông nghiệp hữu cơ đã cao hơn đáng kể. Hàm lượng carbon hữu cơ có trong đất càng cao thì khả năng giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu của nông nghiệp càng cao.

Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn mang lại những lợi ích khác như đa dạng sinh học, phát triển các dịch vụ sinh thái, sản phẩm biến đổi gen…

Vai trò của nông nghiệp hữu cơ trong giảm thiểu biến đổi khí hậu

Rất nhiều bằng chứng cho thấy khí gây ra hiệu ứng nhà kính là một trong những nguyên nhân làm trái đất ấm lên và gây ra biến đổi khí hậu. Bên cạnh những lợi lợi thông thường mang lại cho môi trường, IFOAM đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng nông nghiệp hữu cơ còn có thể giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như có khả năng cô lập carbon trong đất. 

Các hoạt động sản xuất của con người nói chung và các hoạt động trong nông nghiệp nói riêng là một trong những nhân tố gây ra một lượng phát thải không nhỏ các khí gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và sản xuất lúa gạo. Cụ thể như: Khí mêtan sinh ra từ chất thải chăn nuôi từ dạ dày các động vật nhai lại, do quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, hoạt động sản xuất lúa gạo cũng gây ra lượng phát thải khí mêtan tương đối lớn do phần lớn diện tích trồng lúa gạo là ngập nước trong điều kiện nóng ẩm, điều kiện được coi là tối ưu cho việc sản sinh khí mêtan thông qua quá trình phân hủy kị khí. Khí cacbonic đến từ việc thay đổi sử dụng đất trong nông nghiệp như phá rừng, chuyển đổi canh tác và thâm canh…

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nông nghiệp hữu cơ có thể làm giảm đáng kể lượng khí thải như: Cacbonic (CO-2), nitơ oxit (N2O), mêtan (CH4)... So với canh tác nông nghiệp truyền thống, hệ thống nông nghiệp hữu cơ sử dụng thực sự ít nhiên liệu hóa thạch nhờ các phương pháp như: Duy trì độ màu của đất bằng phân hữu cơ, luân canh, xen canh cây trồng đặc biệt là các cây họ đậu là loài có khả năng cố định đạm vào đất cao, giúp đất tăng độ phì hiệu quả,..(về căn bản sử dụng những yếu tố sẵn có của trang trại); loại bỏ các loại phân bón hóa học tổng hợp và các chất bảo vệ thực vật… Hay N2O (phát sinh trong hoạt động nông nghiệp chủ yếu là do bón quá liều lượng đạm và bị thất thoát đạm) cũng được hạn chế nhờ nông nghiệp hữu cơ vì không sử dụng phân bón đạm tổng hợp (nhờ đó lượng đạm giảm kéo theo việc giảm phát thải gây ra trong quá trình tiêu hao năng lượng để tổng hợp phân bón); sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong một chu kỳ dinh dưỡng khép kín nhằm giảm thiểu thất thoát, sử dụng sinh khối để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch… Do đó, khí thải đặc biệt là khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm đi. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ cũng có tiềm năng cô lập carbon trong đất. Bản thân đất vốn có khả năng cô lập cacbon, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tuy nhiên đây lại là đặc tính ít được chú trọng trước đây. Việc cô lập cacbon sâu trong lòng đất là một trong những cách để ngăn chúng không thoát trở lại khí quyển, giúp làm giảm ảnh hưởng của chúng lên tầng khí quyển của trái đất. Nhiều nghiên cứu dài hạn đã chứng minh được rằng trong nông nghiệp hữu cơ, thông qua việc cải thiện cách thức canh tác, thường xuyên cung cấp vật chất hữu cơ cho đất sẽ giúp duy trì và gia tăng cacbon hữu cơ trong đất.

Sự phát triển của một nền nông nghiệp an toàn là thực sự cần thiết và cấp bách để hướng tới phát triển bền vững không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới. Trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm, diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, việc áp dụng những phương thức sản xuất an toàn, hiệu quả, đem lại lợi ích cho con người, môi trường như nông nghiệp hữu cơ thực sự là hướng đi đúng đắn. Nó cần có sự chung tay đóng góp của nhiều thành phần như các chuyên gia nghiên cứu chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng để nông nghiệp hữu cơ phát triển và trở thành một trong những công cụ hữu hiệu trong việc giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo langmoi.vn