Vai trò dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Công tác dân vận ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Vai trò dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Quỳ Châu hiện có 142/142 khối, bản thành lập khối dân vận cơ sở và xây dựng được 271 mô hình dân vận khéo. Nội dung hoạt động của các mô hình này khá đa dạng, gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội như: vận động nhân dân đưa các giống cây, con có năng suất cao vào nuôi trồng; xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa; xây dựng quỹ khuyến học; vận động nhân dân hiến đất mở đường...

Điển hình cho các phong trào này là bản Kẻ Bọn (xã Châu Hạnh). Bản có hơn 100 hộ với 457 khẩu, tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngay sau khi UBND huyện có chủ trương làm đường vào khu công nghiệp thị trấn Tân Lạc, người dân đã tự nguyện hiến đất cho dự án. Trong đó, hộ hiến nhiều nhất là gia đình chị Lang Thị Lý với trên 30m2. Sở dĩ có hành động đó là bởi chị nhận thức rõ cần phải mở rộng đường giao thông để giúp bộ mặt bản làng thông thoáng, sạch đẹp, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng công tác dân vận còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Năm 2011, huyện tiếp nhận 50 đơn/50 vụ việc, trong đó có 26 đơn khiếu nại, 10 đơn tố cáo và tranh chấp đất đai, giải quyết được 45 vụ việc, đạt 90%. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành theo hướng tăng cường đối thoại trực tiếp, công khai, dân chủ. Từ đó, Quy chế dân chủ từng bước đi vào nề nếp, quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng.

Năm 2011, Quỳ Châu có 5.914 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 95/142 bản đạt danh hiệu Làng văn hóa, 60% số cơ quan, công sở đạt Đơn vị văn hóa. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận gắn với XDNTM.
 

Theo kinhtenongthon.com.vn