Vai trò dịch vụ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ ba - 20/05/2014 23:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thu gom rác thải tập trung tại xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao). |
Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 400.000 tấn chất thải rắn, trong đó chất thải sinh hoạt chiếm khoảng 65%. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản tăng nhanh, lượng chất thải rắn phát sinh ở khu vực nông thôn ngày càng nhiều. Trước thực trạng này, môi trường nông thôn cần có những giải pháp để phát triển bền vững và thu gom, xử lý rác thải là giải pháp hữu hiệu để giải quyết ô nhiễm môi trường đang đe dọa ở khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy, khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều mô hình dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh đã ra đời.
Lâm Thao là một trong số các huyện có mô hình dịch vụ môi trường, thu gom, xử lý rác thải hoạt động hiệu quả nhất. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều có mô hình thu gom, xử lý rác thải tập trung. Tổ thu gom rác của các HTX nông nghiệp đứng ra thu gom, rác thải sinh hoạt được tập kết ở bãi rác thải, sau đó xe của ban quản lý các công trình công cộng huyện đến vận chuyển. Hoạt động dịch vụ môi trường ở các xã trong huyện chủ yếu là thu gom rác và tập trung rác thải sinh hoạt để chở đi xử lý. Vì vậy, rác thải sinh hoạt được xử lý triệt để, hạn chế tới mức tối đa ô nhiễm tới môi trường xung quanh. Xã Hợp Hải thực hiện mô hình thu gom rác từ tháng 9-2012 và đến nay môi trường làng quê đã được cải thiện. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thược - Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Hợp Hải có 5/5 khu hành chính với gần 600 hộ tham gia mô hình xử lý rác thải tập trung, chiếm 70% số hộ trong toàn xã. Hiện tượng vứt rác thải bừa bãi, mạnh ai nấy làm đã giảm thiểu rất nhiều. Kênh mương, bờ sông, bờ đê hiện không còn là nơi vứt rác. Bình quân mỗi tháng xã thu gom 12 tấn rác thải sinh hoạt. Nếu không thu gom tập trung thì lượng rác này lại xả trực tiếp tại khu dân cư, ra đồng ruộng, nguy cơ ô nhiễm là khó tránh khỏi. Và mô hình thu gom xử lý rác thải đã góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường của xã - một trong những tiêu chí khó đạt nhất”.
Hiện nay, trên các tuyến đường giao thông, các khu dân cư thuộc huyện Lâm Thao, tình trạng đổ rác bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường đã giảm căn bản. Đây cũng là kết quả khả quan của việc nhân rộng mô hình xã hội hóa thu gom rác thải nông thôn của huyện.
Đối với 23 xã, phường thuộc địa bàn thành phố Việt Trì, 13 phường ở trung tâm do Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Việt Trì thu gom, vận chuyển rác thải; còn 10 xã vùng ven, Công ty chỉ thực hiện vận chuyển. Hoạt động thu gom ở các xã vùng ven do địa phương tự tổ chức, có thể do HTX đứng ra thu gom hoặc thành lập tổ thu gom ở từng khu dân cư. Với các xã vùng ven, quỹ đất không còn nhiều cộng thêm nếu tự xử lý thì phương pháp thô sơ, không đảm bảo quy trình kỹ thuật trong xử lý nên việc vận chuyển rác thải đã giải quyết tận gốc vấn đề chất thải rắn. Xã Tân Đức mới đưa mô hình thu gom rác thải vào hoạt động từ cuối năm 2013. Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dân số của xã khoảng 3.000 người, tuy không phải là lớn nhưng quỹ đất hẹp, không quy hoạch được điểm đổ rác nên áp lực về rác thải sinh hoạt tương đối lớn. Rác được chuyển đi 5 ngày/chuyến và tập kết rác xong trước 8 giờ sáng để xe của Công ty vận chuyển đi. Là xã thuộc TP Việt Trì nhưng mô hình này vừa mới được triển khai, so với các xã khác thuộc thành phố là tương đối muộn. Song điều cơ bản là mô hình này nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, làm thay đổi hành vi và nhận thức của người dân về vấn đề môi trường”.
Huyện Lâm Thao và TP Việt Trì triển khai mô hình thu gom, vận chuyển rác thải tương đối đồng bộ và đồng đều ở các xã, phường. Với các huyện khác, do những vướng mắc về kinh phí, quy hoạch bãi đổ rác nên mô hình này mới chỉ triển khai ở trung tâm huyện và một vài xã. Tại huyện Tân Sơn, mới chỉ có xã Xuân Đài thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải. Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Ngoài xã Xuân Đài hiện nay huyện đã có phương án đầu tư xe chuyên chở rác và bãi xử lý chôn lấp rác được quy hoạch ở Thạch Kiệt. Dự kiến rác của trung tâm huyện và một số xã lân cận sẽ được chuyên chở về đấy. Nhưng do là huyện nghèo, trình độ dân trí còn thấp nên các xã trong huyện thực hiện mô hình này cần phải có lộ trình. Bởi thực tế ngay tại trung tâm huyện sắp tới mới triển khai được mô hình này”.
Không chỉ ở huyện nghèo như Tân Sơn, với các huyện khác cũng gặp khó khăn khi triển khai dịch vụ môi trường ở nông thôn. Huyện Hạ Hòa có 33 xã, thị trấn nhưng chỉ có 6 xã, thị trấn đã tổ chức thực hiện thu gom rác thải trên địa bàn. Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn ước tính khoảng 53 tấn/ngày, tuy nhiên khối lượng thu gom chỉ đạt từ 8 đến 10 tấn/ngày, tương đương ở mức từ 15 đến 20%. Các xã còn lại trên địa bàn huyện chưa có khu xử lý rác thải, chủ yếu do các hộ tự xử lý bằng hình thức chôn lấp trong vườn hoặc xả thải ra môi trường. Huyện Thanh Ba có 27 xã, thị trấn với dân số trên 11 vạn người và 180 cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn nhưng thực tế toàn huyện hiện mới có 3 HTX dịch vụ môi trường và 1 tổ dịch vụ môi trường hoạt động. Lượng rác thải của toàn huyện cần phải thu gom ước tính là 94.500 tấn/năm nhưng thực tế mới chỉ tiến hành thu gom lượng rác thải sinh hoạt được khoảng 4.000 tấn/năm, tỷ lệ chất thải rắn phát sinh được thu gom chưa đến 5%. Tại huyện Thanh Thủy hiện có 15 xã, thị trấn nhưng mới chỉ có các xã Xuân Lộc, Hoàng Xá, Đồng Luận, thị trấn Thanh Thủy đã thực hiện thu gom, xử lý rác thải tập trung. Đối với 11 xã còn lại đang vướng mắc về quy hoạch và kinh phí thực hiện.
Ngoài Lâm Thao và Việt Trì, các xã thuộc các huyện khác triển khai mô hình này còn ít, điều này đồng nghĩa với việc tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa thực hiện được và giải quyết rác thải sinh hoạt vẫn là vấn đề nhức nhối ở địa phương.
Thực tế cho thấy, ở những địa phương đã triển khai mô hình thu gom rác thải, dù ở quy mô tổ hợp tác, hợp tác xã, hay tổ tự quản đứng ra làm, mặc dù các mô hình còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, thu không đủ chi nhưng đã cải thiện bộ mặt nông thôn. Công tác dịch vụ vệ sinh môi trường ở những địa phương này đã giúp đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Từ kinh nghiệm ở những nơi đã triển khai, trong thời gian tới, các địa phương khác cần sớm triển khai mô hình thu gom rác thải để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường nông thôn.
Theo baophutho.vn