Vì một nông thôn mới bền vững - Bài 1: Thuận lợi nhiều, khó khăn không ít
- Thứ sáu - 05/08/2016 12:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều cần thiết trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Mô hình trồng chuối tiêu hồng tại thị xã Nghĩa Lộ). |
Cái được lớn nhất sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM là đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm rõ rệt qua các năm; cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được xây dựng nhiều hơn, đáp ứng cho phát triển... Quan trọng hơn là đã tạo một luồng sinh khí mới, tư duy mới, cách làm mới trong nông nghiệp, nông dân.
Bước ngoặt nông thôn mới
Hết tháng 6/2016, toàn tỉnh đã có 8 xã đạt chuẩn NTM và dự kiến đến hết năm sẽ có 12 - 13 xã đạt chuẩn. Hết năm 2015 có 39 xã đạt từ 10 - 18 tiêu chí, 86 xã đạt từ 5 - 10 tiêu chí và còn 21 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 13,8%. 8 xã về đích NTM không phải là lớn nếu so với các tỉnh, thành khác, nhưng với tỉnh miền núi Yên Bái, xuất phát điểm thấp thì đây là một con số đáng ghi nhận. Đó là kết tinh của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, khoa học của lãnh đạo tỉnh, sự điều hành sát sao của các ngành, các cấp, đặc biệt sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ngay từ khi bắt đầu vào thực hiện, Yên Bái đã xác định XDNTM vai trò chủ thể phải là người dân, XDNTM không chỉ mới cơ sở hạ tầng nông thôn mà phải mới từ tư duy tới hành động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị canh tác. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa đã hình thành và phát triển hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển. Đời sống nông dân từng bước cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,5%.
Một thành công nữa không thể không nói đến là cơ sở hạ tầng có bước chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ từ nguồn vốn ngân sách mà người dân, doanh nghiệp đã tham gia mạnh mẽ làm tăng nguồn lực đầu tư. Tổng nguồn vốn thực hiện trong 5 năm đạt trên 5.874 tỷ đồng.
Trong 5 năm, toàn tỉnh bê tông hóa 580 km đường, mở mới nền đường với chiều dài trên 1.180 km; làm mới 405 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư trên 835 tỷ đồng; 136 xã bảo đảm tiêu chí về điện nông thôn; 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh, 56% có nhà tiêu hợp vệ sinh; 121 xã có chợ nông thôn; 83/453 trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng 63 công trình văn hóa, 62 công trình thể thao... Nông thôn đã cơ bản không còn nhà dột nát, 30% số hộ có nhà kiên cố, khang trang.
Cơ sở chăn nuôi của ông Phùng Quang Hà, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên.
Còn đó những khó khăn
Thành quả rất đáng trân trọng và tự hào thuộc về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn đó những khó khăn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, nhất là những người dân - “chủ thể” của Chương trình XDNTM.
Qua thực tế tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái - xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái “cán đích” NTM cho đến xã Tân Đồng, Báo Đáp (Trấn Yên) hay Đại Phác, Yên Hưng (Văn Yên) đều là những xã đã được công nhận xã NTM nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giữ vững và nâng các tiêu chí. Khó khăn nhất, trăn trở nhất là giữ vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hầu hết các xã này đã có dự án, phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sản xuất như: xã Tuy Lộc có chương trình sản xuất rau an toàn, Báo Đáp chuyển diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, Đại Phác sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa... nhưng hầu như có nhiều khả năng dẫn đến khó duy trì, nâng cao mức sống bền vững cho người dân.
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa có bước đột phá mạnh mẽ, vẫn độc canh cây lúa, ngô là chính dẫn tới thu nhập thấp, không ổn định. Ngành nông nghiệp đã xây dựng 55 dự án, mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhất là mô hình ứng dụng kỹ thuật cao có hiệu quả chưa nhiều, chưa thật sự rõ nét, số lượng nhân rộng mô hình còn hạn chế.
Một vấn đề nữa là cho đến nay mới chỉ dừng lại ở mô hình, chưa xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn phù hợp với lợi thế của địa phương, của vùng. Đặc biệt là các khâu trong sản xuất còn đơn lẻ, chưa tạo được chuỗi sản xuất. Vùng lúa hàng hóa, vùng dâu, vùng chè hay vùng rau... chưa cụ thể và hàng hóa vẫn chưa nhiều, nông dân tự sản xuất và tự tiêu, làm theo phong trào là chính. Các cấp chính quyền hô hào, vận động, nhân dân lăn vào làm ra sản phẩm nhưng khâu tiêu thụ thì không ai để ý khiến nông dân quay cuồng, phải tự mình đối phó. Đó có thể coi là hạn chế lớn nhất trong sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong XDNTM. Hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng mạnh mẽ nhưng chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt nhân dân. Đến nay, chưa có một xã nào, mô hình nào thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Dồn điền đổi thửa không phải là một trong bộ tiêu chí XDNTM, nhưng không thể có một nền sản xuất hiệu quả trên những hạn điền manh mún, nhỏ lẻ. Một nhà có 5 sào ruộng nhưng có tới 2 - 3 thửa ruộng nằm ở các xứ đồng khác nhau như vậy thì rất khó, nếu như chúng ta không muốn nói là không thể sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững được! Một vấn đề nữa là cho đến nay sản xuất vẫn thiếu “mắt xích” doanh nghiệp hay hợp tác xã (HTX) đủ mạnh để liên kết sản xuất tạo chuỗi từ đầu vào cho đến sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Thực tiễn chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng HTX và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp HTX là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân. Mô hình mới cho HTX là phải do các xã viên đưa ra từ thực tiễn hoạt động, chứ không phải do chúng ta tự đề ra. Sản xuất không thể hiệu quả, bền vững khi người dân phát triển không theo quy hoạch, làm theo phong trào và phải tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...
Bên cạnh những thành tựu và còn đó những khó khăn, hạn chế, nhất thiết chúng ta phải tìm ra lời giải để Chương trình XDNTM, xã NTM phát triển một cách bền vững.
Theo Báo Yên Bái