Vì một nông thôn mới bền vững - Bài 2: Chung sức xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 05/08/2016 12:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã đạt nhiều kết quả tốt nhưng cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề như: làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hàng hóa trong khi trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế, thiếu sự liên kết và vào cuộc của doanh nghiệp; khả năng tiếp cận thị trường, nhận thức của người dân, một bộ phận cán bộ cấp xã, thôn, bản còn hạn chế; hạ tầng nông thôn còn yếu; nguồn lực đầu tư còn eo hẹp...
Xây dựng con người mới
XDNTM không phải nhà cửa, con đường hay công trình mới mà điều quan trọng là làm sao có con người mới, suy nghĩ mới, cách sản xuất, tầm nhìn và lối sống mới - đó mới là đích cuối cùng. Hầu hết các xã đã đăng ký và phấn đấu XDNTM đều có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp nên gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, các huyện, xã đã rất quan tâm chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở trẻ, khỏe, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu được giao. Cán bộ trực tiếp làm công việc đã có nhiều sáng tạo, trưởng thành nhanh chóng, được dân tin yêu hơn. Tất cả đều hướng đến chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân, đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Mỗi người dân cũng đều ý thức được việc XDNTM là của dân và dân thụ hưởng, không trông chờ ỷ lại vào cấp trên như trước đây. Như đã nói ở trên, NTM chỉ thành công và bền vững khi người dân phải là chủ thể. T
rong năm 2016, toàn tỉnh sẽ có thêm 12 - 13 xã đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình là 398 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 141 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và huyện 26 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp 17 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép.
Hiện nay, các xã đã đăng ký đều đạt từ 17 đến 18 tiêu chí và đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và được công nhận trong năm.
Nông dân Văn Chấn chăm sóc rau màu. (Ảnh: Văn Thông)
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp chắc chắn sẽ hoàn thành nhưng để bền vững cần đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nhân dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của NTM; không chỉ đóng góp vật chất, ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng mà còn cần thay đổi tư duy mới trong sản xuất, chăn nuôi, công tác bảo vệ môi trường...
Đồng thời, phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển "tam nông", nhất là trong quy hoạch, xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế và tổ chức thực hiện sáng tạo, tạo nên bước đột phá mới. Nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế nhưng việc tạo ra sản phẩm lại hết sức khó khăn và thường có giá trị thấp, chịu nhiều rủi ro.
Do đó, cần khẳng định chính sách cho NTM là hỗ trợ, bao gồm các phương thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp qua đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, cách thức hỗ trợ trước và sau sản xuất, hỗ trợ nhanh khi bị rủi ro.
Song song với đó là tạo điều kiện phát triển các ngành công nghệ phục vụ sản xuất chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp và các dịch vụ. Có chính sách đặc thù khuyến khích cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Tăng cường nguồn lực cho nông thôn mới
XDNTM những năm qua đã đạt được nhiều thành tích quan trọng nhưng làm thế nào để NTM đi vào thực chất, giữ được “lửa” phong trào xây dựng kiến thiết là một vấn đề hết sức quan trọng. Cần sự vào cuộc nhiệt huyết hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, cán bộ đảng viên, các tổ chức chính trị, đặc biệt là người dân.
Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Nhiều năm qua, nông dân Yên Bái luôn nhận được các nguồn vốn, vật tư phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, nguồn vốn hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp từ 35 - 40 tỷ đồng và hàng loạt cơ chế, chính sách nữa cũng chỉ một mục đích thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, cho cuộc sống người dân ổn định hơn và tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình".
Từ nguồn vốn hỗ trợ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, bà con nông dân đã có những kết quả tốt trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng.
Nhưng để phát triển mạnh hơn nhất thiết phải sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường, nông dân sản xuất phải lấy giá trị canh tác trên mỗi đơn vị diện tích làm thước đo. Sản xuất chuyên canh với khối lượng hàng hóa lớn, tạo thị trường ổn định mới hy vọng làm giàu được.
Như trong sản xuất lúa, gạo hàng hóa, muốn thành công phải sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. Muốn có mẫu lớn buộc phải dồn điền đổi thửa, nếu không dồn điền đổi thửa được thì chí ít cũng phải có sự liên kết nhóm hộ.
Một cơ sở sản xuất phân viên nén dúi sâu tại xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.
Trong liên kết nhóm hộ thì vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã đóng vai trò quyết định. Tổ hợp tác, hợp tác xã đứng ra liên kết với bà con nông dân rồi cung ứng đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, thu hoạch, bảo quản thu hoạch và bao tiêu sản phẩm.
Xã Tân Đồng - một xã vùng 3 của huyện Trấn Yên đang triển khai rất hiệu quả và thành công theo mô hình liên kết nông dân và tổ hợp tác sản xuất dâu tằm. Hay như tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên hợp tác xã cũng đứng ra liên kết với nông dân sản xuất lúa gạo hàng hóa rồi ký với một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm khá ổn định, nâng cao thu nhập người dân.
Do đó, tổ chức lại sản xuất là một yếu tố sống còn đối với xã NTM. Xã NTM không thể sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không để dân đói, dân nghèo mà người dân phải có cách làm mới, suy nghĩ mới, sản xuất mới hiệu quả bền vững. Trong hỗ trợ sản xuất, nên đầu tư trực tiếp cho các hộ dân để người dân tự làm, tự gánh vác, chúng ta chỉ hỗ trợ về thông tin, về kỹ thuật...
Một vấn đề mấu chốt nữa là phải đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động nhiều hơn các nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, tạo sự đồng bộ giữa chủ trương, chính sách với nguồn lực tài chính, công nghệ.
Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, sức dân lại có hạn, trước yêu cầu của công cuộc XDNTM đã được phát động và thực hiện sâu rộng cần có những cơ chế ưu đãi đủ sức hấp dẫn mời gọi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - nhân tố quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, điều kiện quan trọng cho NTM phát triển bền vững.
Đối với các công trình đã được đầu tư xây dựng như nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm..., các xã thường xuyên kiểm tra, uốn nắn, nhắc nhở để giữ gìn, phát huy giá trị. Nhà văn hóa thôn phải “có chủ”, ngoài việc phục vụ nhân dân cũng cần phân công đoàn thể chịu trách nhiệm trông coi, dọn dẹp...
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016 - 2020; nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng với sự tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đồng thuận của nhân dân, tin tưởng rằng, Chương trình XDNTM tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.
Theo Báo Yên Bái