Vì sao Đắc Nông "trắng" xã nông thôn mới?
- Thứ ba - 20/10/2015 20:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
KHÓ TỪ NỘI LỰC
Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắc Nông: Đắc Nông là tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm (2004), là một tỉnh nghèo, miền núi với nhiều thành phần dân tộc, điểm xuất phát của các xã rất thấp, nhiều xã mới được hình thành, có những xã tại thời điểm thành lập không đạt tiêu chí nào trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương. Có xã được hình thành từ việc người xây dựng kinh tế mới ngoài kế hoạch đến định cư thành từng cụm, lâu ngày phát triển thành thôn, sau đó thành lập xã, những xã này khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới không đạt tiêu chí nào. Khi mới xây dựng nông thôn mới, bình quân 1 xã chỉ đạt được 3,1 tiêu chí (thấp hơn bình quân cả nước rất nhiều) nên khối lượng, nội dung xây dựng nông thôn mới rất lớn, đa dạng, liên quan nhiều lĩnh vực, trong khi đó, việc thực hiện phải vừa làm, vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, bổ sung.
Mặt khác, nhiều xã của tỉnh Đắc Nông có diện tích rộng lớn lên đến vài chục nghìn héc-ta, dân cư sinh sống thưa thớt, không tập trung nên việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng rất khó khăn. Một số hạng mục về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... đòi hỏi phải có nguồn lực lớn và đa số đều phụ thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đơn cử như xã biên giới Quảng Trực của H. Tuy Đức có diện tích lên đến hơn 56.000 ha, gấp hơn 10 lần các xã thông thường nên việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đến từng thôn là điều rất khó khăn.
Đề án nâng cấp, sửa chữa cầu, đường của các thôn, bon, buôn là rất lớn, mà việc cứng hóa đường giao thông thì chưa nhiều nên để đạt mức tối thiểu theo tiêu chí còn quá khó khăn. Hơn nữa, do đặc điểm giao thông của tỉnh miền núi, đường có độ dốc lớn, đồi núi nhiều, quanh co nên khối lượng đào, đắp mặt đường lớn dẫn đến kinh phí để xây dựng một đoạn đường cần có suất đầu tư rất lớn so với các vùng khác trong cả nước. Trong khi dân cư sinh sống, phân bố thưa thớt và phần lớn là người nghèo nên việc huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng đường giao thông nông thôn là hết sức khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chị H'Sen, người dân bon Bu Sốp, xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa cho biết: "Để đóng góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn đối với tôi cũng như bà con trong bon Bu Sốp là rất khó khăn, hàng ngày, bà con phải đi vay đi mượn, phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày nên đóng góp đối với chúng tôi gần như là điều không thể".
Bất cập nhất trong việc xây dựng nông thôn mới tại Đắc Nông là nhà ở khi phải bảo đảm các điều kiện như: diện tích nhà ở bình quân 14m2/người; kết cấu nhà phải bảo đảm 3 cứng: cứng mái, cứng khung, cứng nền và có niên hạn sử dụng 20 năm trở lên; phải có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như: điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông đi lại. Hiện tại, Đắc Nông mới có 3/61 xã đạt được tiêu chí này. Thậm chí ngay tại thị xã Gia Nghĩa, trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Đắc Nông, tiêu chí này cũng rất khó thực hiện. Ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa cho biết: "Hiện nay, việc xây nhà đạt chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì xã Đắc Nia đạt tương đối thấp do điều kiện thu nhập của người dân hiện nay chưa đồng đều, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, giá cả bấp bênh, thu nhập thấp". Cũng theo ông Ban, cứ theo đà này, đến năm 2020, xã Đắc Nia cũng chưa chắc đã đạt được tiêu chí về nhà ở.
Một trong những khó khăn lớn nhất của Đắc Nông là hạ tầng giao thông nông thôn. |
KHẢ NĂNG ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN CÒN HẠN CHẾ
Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắc Nông: tổng nguồn vốn đầu tư vào nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh trong 5 năm (2011-2015) ước khoảng hơn 5.500 tỷ đồng. Nhu cầu kinh phí đầu tư để các xã đạt chuẩn nông thôn mới là rất lớn (bình quân 350 tỷ đồng/xã, trong khi thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm, nên tỉnh rất khó cân đối nguồn vốn). Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Phó Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắc Nông: Đối với các tiêu chí ít kinh phí thì cơ bản tỉnh Đắc Nông đã làm xong, còn những tiêu chí cần phải có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, môi trường thì phải có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thì Đắc Nông mới triển khai thực hiện được, xây dựng nông thôn mới tại Đắc Nông tuy khó nhưng vẫn phải làm.
Cũng theo ông Duyên, trước những khó khăn của tỉnh trong việc xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắc Nông sẽ cùng các cấp, các ngành triển khai các biện pháp tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như các cấp các ngành trên phạm vi toàn tỉnh để huy động mọi nguồn lực trong toàn xã hội. Tỉnh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho các lĩnh vực và kêu gọi các doanh nghiệp cũng như huy động các nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào hạ tầng cũng như đầu tư vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Để hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện tại tỉnh Đắc Nông rất cần Trung ương hàng năm tăng mức hỗ trợ nguồn vốn để đối ứng với nguồn vốn đóng góp của người dân; nguồn vốn của Nhà nước trong việc xây dựng các công trình cần bố trí sớm để tạo sự khích lệ cho người dân trong việc đóng góp phần còn lại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn các bộ, ngành Trung ương xây dựng chính sách đặc thù về xây dựng nông thôn mới cho các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, để Đắc Nông có động lực hoàn thành các mục tiêu đề ra trong việc xây dựng chương trình nông thôn mới.
Ngọc Minh – Thanh Đạt
nguồn: cand.com.vn