Vì sao kinh tế tập thể suy nhược?
- Chủ nhật - 01/02/2015 23:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền, đóng tại huyện miền núi Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được lãnh đạo tỉnh khuyên nên chuyển quyền sở hữu một số tài sản như ô tô, đất đai của xã viên sang tên cho hợp tác xã. Tuy nhiên, là người từng chứng kiến ba cuộc cách mạng về đất đai bắt đầu từ những năm 1953 đến nay, lời khuyên này làm ông lo ngại. “Chúng tôi rất lúng túng, làm như vậy các hộ có yên tâm không?”, ông kể lại tâm trạng của mình. Rốt cuộc, “chúng tôi quyết định không chuyển quyền sở hữu”, ông nói. Quyết định đó, và các quyết định đúng đắn khác đã giúp Hợp tác xã Quý Hiển với 100 xã viên chuyên về nuôi gà và lợn thành công lớn. Ông Ân kể, tất cả các xã viên đều hài lòng với mô hình liên kết này và không một ai bỏ ra ngoài. Các sản phẩm của xã viên là gà, trứng gà đều đạt chất lượng nhờ chăn nuôi đúng quy trình và được hợp tác xã tiêu thụ và bán ra thị trường tỉnh. Ông còn tự hào: “Chúng tôi có thương hiệu nên dù cạnh biên giới Trung Quốc, nhưng Lào Cai không hề có trứng gà Trung Quốc”. Quý Hiển thành công do tài sản của các xã viên vẫn là của xã viên, chứ không phải của tập thể. Song, họ biết liên kết với nhau để bảo vệ nhau trên thị trường. Ông Ân tổng kết: “Trong sản xuất, nông dân không biết liên kết nhau lại là không làm ăn được”.
Có bao nhiêu mô hình thành công như Hợp tác xã Quý Hiển trên bình diện cả nước? Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người nắm rõ hơn ai hết về điều này. Việc tổ chức liên kết chưa được thực hiện rộng rãi trên địa bàn của cả nước… Nhìn chung các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp chưa phát huy nhiều vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp, sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Một số mặt hàng, tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3-15%. Việc triển khai liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được triển khai rộng rãi. Những con số thống kê này của Bộ trưởng Phát cho thấy bức tranh kinh tế tập thể - mô hình mà Nhà nước đã cổ vũ bằng nhiều luật, nghị quyết - vẫn có màu xám là chủ yếu. Câu trả lời cho tình trạng trên đến từ một người rất có kinh nghiệm thực tế là ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Cây trồng Thái Bình. Ông Báo kể, doanh nghiệp của ông cung cấp giống lúa cho 10% diện tích lúa ở Việt Nam và có 80 điểm bán giống trên cả nước nên ông có kinh nghiệm làm việc với các hợp tác xã nông nghiệp. Đó là những kinh nghiệm buồn. “Báo cáo các vị, chúng tôi thực sự bế tắc trong việc liên kết với các hợp tác xã. Tổ chức hợp tác xã chưa có mô hình nào ra hồn, hoạt động không theo điều lệ, không theo một quy định nào, không có cơ chế ràng buộc”, ông Báo nói tại một hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, và các bộ liên quan tổ chức nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho mô hình hợp tác xã hiện nay. Theo phân tích của ông Báo thì cách tổ chức hợp tác xã là nguyên nhân của vấn đề. Ông nói: “Nút thắt là quan hệ sản xuất không còn phù hợp với lực lượng sản xuất. Nghị quyết 10 đã hết năng lượng cho sản xuất rồi, phải thay đổi. Trong khi lực lượng sản xuất phát triển thì mô hình hợp tác xã vẫn vận hành như một hợp tác xã ngày xưa”. Ông bổ sung thêm: “Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã đi vào lịch sử vì bây giờ cần sản xuất chất lượng cao mà không có”. Theo Bộ trưởng Phát, ngành nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn mà “một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự bất cập về thể chế trong đó khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã vẫn chìm trong tình trạng yếu kém”, ông giải thích. Bộ trưởng Nông nghiệp phân tích, trong kinh tế thị trường, Nhà nước cần phải làm những gì mà thị trường không làm hoặc làm không hiệu quả. Ở Việt Nam, theo ông Phát, khu vực kinh tế hợp tác xã yếu kém dẫn đến một loạt các hệ lụy quan trọng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông hộ thấp, các hoạt động khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các tác nhân trung gian làm bệ đỡ cho kinh tế nông hộ, chi phí giao dịch trong liên kết nông dân với doanh nghiệp lớn khiến các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro và không mặn mà với việc đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Cánh đồng lớn là một hướng đi quan trọng của nông nghiệp trong tương lai nhưng vì không có các hợp tác xã làm trung gian liên kết nông dân với doanh nghiệp khiến mô hình “Cánh đồng lớn” có nguy cơ không mở rộng ra được và mãi vẫn là “Cánh đồng mẫu” như tên gọi ban đầu của nó. Tuy nhiên, những vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể này khó mà được giải quyết tại hội thảo trên. Giải pháp đưa ra hầu như chỉ là tăng cường bộ máy nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thành lập Cục Phát triển Kinh tế hợp tác thuộc bộ này ở cấp trung ương, và Phòng Phát triển kinh tế hợp tác tại các sở kế hoạch và đầu tư cấp địa phương. Nếu chỉ như vậy là chưa đủ. theo TBKTSG | |