Việt Nam có khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo do Bộ Y tế tổ chức hôm nay, 27/10, về thực phẩm chức năng.
 

Ảnh VGP/Việt Hà

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Khám chữa bệnh, Hiệp hội TPCN Việt Nam và 300 đại biểu là lãnh đạo các bệnh viện lớn thuộc TW và địa phương, lãnh đạo Hội bảo vệ Người tiên dùng Việt Nam, các nhà sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng (TPCN).

 

TPCN được toàn thế giới xem là bước tiến quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe con người nhờ tác dụng tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ, điều trị và phục hồi sức khỏe, đặc biệt là đối với bệnh mãn tính không lây nhiễm đang ngày càng tăng.

Tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, TPCN đã trở nên phổ biến, phong phú về chủng loại và công dụng. Riêng tại Mỹ, hơn 70% người dân đã sử dụng TPCN, tỷ lệ này vẫn không ngừng tăng cao.

TPCN tại Việt Nam phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 10.000 sản phẩm TPCN trong đó 40% là sản phẩm nhập khẩu. Từ năm 2009 -2012 có 1.781 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh TPCN.

Theo khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2011, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã có trên 50% số người lớn sử dụng TPCN.

Tuy nhiên phần đông người dùng trong nước vẫn chưa nhận thức đúng công dụng và tầm quan trọng của TPCN, nảy sinh 2 xu hướng tâm lý trái ngược: ngại sử dụng hoặc sử dụng một cách thiếu khoa học.

Tình trạng người dân không được cung cấp đầy đủ thông tin về TPCN, tình trạng một số doanh nghiệp quảng cáo quá mức về thực phẩm chức năng cũng làm cho việc sử dụng TPCN không đạt được hiệu quả tối ưu, trong nhiều trường hợp còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, lãng phí tiền của… Đặc biệt đáng ngại là các trường hợp người dân tự ý chọn TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh nhưng lại không đạt được hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cần có khảo sát, đánh giá để lĩnh vực này phát triển lành mạnh, đúng hướng và phù hợp với xu thế hội nhập; hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tốt, có tư vấn của Bác sĩ; tẩy chay sản phẩm quảng cáo mang tính lừa dối.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong thời gian tới, các cơ quan trong đó có Bộ Y tế và đặc biệt trực tiếp là Cục ATVSTP sẽ có các văn bản trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành để quản lý, đặc biệt trong đó có quy định về sản xuất về kinh doanh, điều kiện cơ sở, công bố tiêu chuẩn, quy định về ghi nhãn trong đó có quy định về quảng cáo.

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng khuyến cáo, người tiêu dùng sử dụng TPCN không nên dùng TPCN  theo cảm tính, không nên nghe theo tư vấn của người không có chuyên môn và tốt nhất thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và nếu có điều kiện nên hỏi ý kiến của các chuyên gia về y tế.

Việt Hà
Theo  baodientu.chinhphu.vn