Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu mật ong
- Thứ hai - 14/10/2019 05:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ban chủ tọa và ban cố vấn tại diễn đàn. |
Theo Cục Chăn nuôi, các nhà nuôi ong và đàn ong nằm rải rác khắp cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du (trên 442.000 đàn), Tây Nguyên (trên 361.000 đàn), đây là những vùng sinh thái được đánh giá có tiềm năng để trở thành vùng SX mật ong tập trung. Thấp nhất là ĐBSCL (trên 35.000 đàn).
So với năm 2017 thì số lượng đàn ong năm 2018 tăng 6,7%; khu vực tăng cao nhất là vùng ĐBSH (14,34%), tăng thấp nhất là Tây Nguyên (2,95%), đặc biệt là vùng ĐBSCL số lượng đàn ong giảm 18,53%.
Nghề nuôi ong mật không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn là nghề góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại lợi ích cho cây trồng. Việc phát triển cây trồng cũng là tăng cường nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn ong mật. Nghề nuôi ong đã chuyển dần từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung với số lượng lớn. Hình thành các mô hình câu lạc bộ, HTX hoạt động có hiệu quả và nhanh chóng nhân rộng.
Một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La đã xây dựng được thương hiệu, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể mật ong Sơn La…
Chất lượng sản phẩm tạo ra từ nuôi ong mật như mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, phấn hoa… được nâng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm, ưa chuộng.
Tại Hòa Bình, hiện có khoảng 60.000 đàn ong, với sản lượng mật đạt 600 tấn/năm. Chăn nuôi ong hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thực sự là 1 nghề khai thác tốt tiềm năng, lợi thế góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ong được nuôi để lấy mật trên địa bàn tỉnh chủ yếu là 2 loại giống: Ong ngoại và ong nội. Trong đó, ong nội chiếm chủ yếu. Năng suất ong nội đạt bình quân 12kg mật/đàn/năm, ong ngoại đạt trên 25kg mật/đàn/năm.
“Đa số các hộ dân đều áp dụng phương thức chăn nuôi trong thùng cải tiến đặt cố định tại chỗ. Với những kiến thức kỹ thuật được chuyển giao và áp dụng thành công, đã góp phần không nhỏ giúp người dân an tâm phát triển quy mô nuôi, nâng tổng số đàn, năng suất, chất lượng sản phẩm mật ong của tỉnh”, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình bộc bạch.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm 2018, nước ta có khoảng 1,26 triệu đàn ong. Tổng sản lượng mật ong năm 2018 đạt 49.000 tấn.
Nghề nuôi ong ở Hòa Bình phát triển tốt và có tiềm năng. |
Trong đó, xuất khẩu 44.000 tấn (90%) - trở thành quốc gia đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong. Sản lượng xuất khẩu sang thi trường Hoa Kỳ chiếm 90 - 95%, còn lại xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và tiêu thụ nội địa.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào thực tế SX nông nghiệp nói chung và nghề nuôi ong nói riêng là động lực thúc đẩy SX nông nghiệp phát triển nhanh chóng.
Ông Phạm Văn Cường, Hội Nuôi ong Việt Nam chia sẻ, việc xuất khẩu ong Việt Nam ra thị trường quốc tế cần phải tuân thủ các đạo luật, quy định liên quan đến mặt hàng cụ thể của nước nhập khẩu, khối liên minh… Theo đó, phải làm tốt các quy định như vệ sinh an toàn thực phẩm; chất tồn dư; về tính tự nhiên nguyên khai của mật ong; truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, phải có các chứng chỉ ISO, HACCP…
Ông Cường lấy dẫn chứng, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta. Định kỳ 2 - 3 năm, đoàn thanh tra EU lại đến Việt Nam kiểm tra việc thực thi chương trình giám sát tồn dư kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật. Chỉ khi thực thi chương trình này một cách hiệu quả tốt, thì mới được đưa vào danh sách các nước được phép xuất khẩu mật ong sang các nước trong khối EU...
Tại diễn đàn, ban chủ tọa và ban cố vấn đã giải đáp khoảng 50 câu hỏi của người dân. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như kỹ thuật nuôi, tách đàn; khai thác mật, chất lượng mật; quản lý ngành ong, thị trường tiêu thụ nội địa, xuất ngoại… |