Vinamilk nằm trong top 16 DN thực phẩm đồ uống lớn nhất châu Á

Vinamilk nằm trong top 16 DN thực phẩm đồ uống lớn nhất châu Á
Thu nhập tăng làm tăng mức tiêu thụ sữa và đồ uống có cồn trong khu vực.

Các nhà sản xuất rượu của Trung Quốc dẫn đầu ngành đồ uống và thực phẩm châu Á về giá trị vốn hóa thị trường sau khi tập trung vào người uống thông thường đồng thời nhờ vào sự quan tâm của nhà đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Các sản phẩm Kweichow Moutai với các mức giá khác nhau

Hãng rượu truyền thống Trung Quốc Kweichow Moutai đứng đầu bảng xếp hạng của Nikkei với giá trị vốn hóa thị trường là 86,5 tỷ USD, gấp đôi mức của 5 năm trước trong khi lợi nhuận năm trước tăng khoảng 20%. Bí mật thành công ở đây là sự thay đổi trong trọng tâm và chiến lược giá. Công ty tập trung vào những người dùng cá nhân đồng thời đưa ra các sản phẩm thuộc hàng giá thấp và trung khoảng 10 USD, thay vì sản phẩm cao cấp giá hàng trăm USD như trước đó.

Các bước đi tương tự cũng đem lại thành công cho nhiều công ty rượu Trung Quốc khác. Giá trị vốn hóa thị trường của Wuliangye Yibin tăng 44% trong 5 năm qua. Vốn hóa của Jiangsu Yanghe Brewery giảm 22% trong cùng kỳ nhưng vẫn đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng.

Công ty có thứ hạng cao nhất bên ngoài Trung Quốc là công ty Thai Beverage tăng 130% trong 5 năm lên mức 16,9 tỷ USD. Dù rượu vẫn là sản phẩm chính của công ty, đồ uống không cồn đang ngày càng đóng một vai trò lớn.

Ở Việt Nam, công ty Vinamilk chứng kiến mức tăng trưởng 320% trong 5 năm lên mốc 9,7 tỷ USD vốn hóa. Ngoài ra hãng này cũng đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài ví dụ việc xây dựng nhà máy chế biến sữa đầu tiên ở Campuchia.

Nhu cầu về đồ uống có ga thức ăn vặt và các sản phẩm sữa ở Đông Nam Á vẫn đang tăng lên. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng "thưởng" cho các công ty vì mở rộng và mua lại những doanh nghiệp có tiềm năng.

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty Indofood CBP Sukses Makmu Indonesia tăng 84% trong 5 năm qua, nhờ vào hoạt động bán sản phẩm sữa và vụ mua lại Danone Dairy Indonesia, một chi nhánh của Công ty Pháp Danone. Hiện nay công ty đang mở rộng ra các lĩnh vực như đồ uống và đồ ăn vặt (snack).

Cổ phiếu thực phẩm và đồ uống tăng mạnh vì nhà đầu tư quan tâm đến tiềm năng tăng trưởng

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều được hưởng lợi. Tingyi (đảo Cayman), công ty Hồng Kông giúp món mì ăn liền phổ biến tại Trung Quốc, chứng kiến mức vốn hóa thị trường giảm 53% trong 5 năm qua khi các công ty nước ngoài ồ ạt tiến vào thị trường thực phẩm, giới thiệu các xu hướng như đồ ăn nhanh. Trong khi đó, sản phẩm trà ngọt của công ty đang phải vật lộn khi người tiêu dùng đang hướng tới lối ăn uống lành mạnh hơn.

Trừ khi theo kịp với xu hướng thay đổi, các công ty khác có thể phải đối mặt với những khó khăn tương tự khi các lựa chọn thực phẩm trở nên đa dạng hơn và khẩu vị của người tiêu dùng trở nên tinh vi hơn.

Nguồn  Nikkei/ Ndh.vn/ Hà Tĩnh News