Vĩnh Long phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao

Quảng Ninh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên, từng bước hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, có trình độ học vấn, nghề nghiệp, việc làm.

 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 70% thanh niên đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; 35% lao động qua đào tạo nghề; 100% thanh niên, học sinh được giáo dục hướng nghiệp và 70% thanh niên nông thôn được phổ biến, hướng dẫn và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho thanh niên thông qua hệ thống trường học, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng, giúp thanh niên có nhận thức, định hướng đúng đắn về nghề nghiệp. Tỉnh đầu tư nâng cao năng lực của các trung tâm giới thiệu việc làm, kịp thời nắm bắt các nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo các cơ sở đào tạo nghề công lập hiện có, tỉnh kêu gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

* Sau hai năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh có: 100% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 100% số xã lập xong đề án cấp xã, 100% các huyện lập xong đề án và xây dựng được kế hoạch năm năm xây dựng nông thôn mới; 100% số thôn có nhà văn hóa đủ điều kiện hoạt động, 100% xã có bưu điện văn hóa xã, 90% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn từng bước được hoàn thiện; có tám xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong hai năm qua, các doanh nghiệp và người dân đã đóng góp hơn 12,7 tỷ đồng chung sức xây dựng nông thôn mới; các hộ dân tự nguyện tham gia hiến 211.868 m2 đất, hơn 2.400 m tường rào, 2.537 cây ăn quả lâu năm... để xây dựng nhà văn hóa và các công trình hạ tầng khu vực nông thôn.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính; lấy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập là nội dung cốt lõi để thúc đẩy việc hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả của chương trình. Ðể chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt hiệu quả cao, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp: tiếp tục và kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới, tỉnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại và đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ hiện đại, với tỷ trọng dịch vụ - du lịch chiếm hơn 50% trong cơ cấu nền kinh tế; triển khai xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững gắn với chuyển đổi cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững.

 

PV VÀ TTXVN
 
 
 
 
Theo nhandan.org.vn