Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
- Thứ tư - 14/06/2017 04:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hợp tác xã tinh bột nghệ ở Vĩnh Phúc.
Theo dự thảo Đề án, mục tiêu từ nay đến năm 2020, Vĩnh Phúc phấn đấu mỗi năm bồi dưỡng cho 30 cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ hợp tác xã; thành lập mới từ 15-20 hợp tác xã và 3 Liên hiệp Hợp tác xã. Đến năm 2020, có từ 70-80% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả; 80% các hợp tác xã có trụ sở làm việc và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mỗi huyện, thành, thị có 1-2 mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình tiên tiến vững mạnh trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu thống nhất sự cần thiết xây dựng Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng Đề án chưa thực sự khoa học; lộ trình thực hiện Đề án từ nay đến 2020 là quá ngắn, khó thực hiện, do đó cần nghiên cứu kéo dài thời gian triển khai Đề án ít nhất đến năm 2015.
Về thực trạng, đã đưa ra những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã nhưng chưa phản ánh được thực chất vấn đề, thậm chí có 27 HTX không tìm thấy địa chỉ, 63 HTX chưa điều tra được; cần bổ sung thêm một số tiêu chí về số thành viên tham gia hợp tác xã, thu nhập của các thành viên, đặc biệt là cần khảo sát, đánh giá sự đóng góp của kinh tế tập thể đối với tăng trưởng kinh tế và các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác của tỉnh…
Đối với các giải pháp thực hiện đề ra trong Đề án, các đại biểu đề nghị cần quan tâm đến giải pháp, nhiệm vụ củng cố những HTX kém hiệu quả; những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý những tồn tại đối với các HTX trong quá trình chuyển đổi; Về các chính sách hỗ trợ HTX, cần nghị nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách hỗ trợ về đất đai, kinh phí xây dựng trụ sở so với các quy định hiện hành; chính sách ưu đãi áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ. Việc Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án phát triển kinh tế tập thể có ý nghĩa thiết thực, thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc đại diện cho quyền, lợi ích của nhân dân trong tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương.
“Việc xây dựng và ban hành Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho xã viên và người lao động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế” – Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Theo: Lê Minh Tiến/daidoanket.vn